Chỉ vì nội dung thông tư thay đổi, công văn điều hành thay đổi mà doanh nghiệp có thể mất luôn một tài sản đang tốt, thậm chí có những doanh nghiệp còn sạt nghiệp luôn chỉ bằng một công văn điều hành.



Nói về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý chính sách kinh tế trung ương (CIEM), nhận định không thể nói bình đẳng, minh bạch được mà là một môi trường kinh doanh của hành chính, xin cho.



“Doanh nghiệp luôn phải thủ phong bì”



Minh chứng cho luận cứ của mình, ông Cung nói về tình trạng về “mớ dây điện” của thông tư, văn bản dưới luật đã tác động tới doanh nghiệp trong thời gian qua. Cụ thể, luật là do Quốc hội ban hành và mỗi năm chỉ có hơn 20 luật được ban hành. Ví như số luật ban hành nhiều nhất là năm 2014 cũng chỉ có 29 luật.







Tuy nhiên, con số nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư, văn bản điều hành thì rất nhiều. Ví như nghị định, mỗi năm khoảng hơn 100, cao nhất là năm 2014 với 125 nghị định được ban hành.



Con số thông tư thì gấp mấy lần như thế, lên đến vài trăm, ví như năm 2011 với 746 thông tư, thấp nhất là năm 2014 với 496 thông tư được ban hành. Còn văn bản điều hành thì lên đến con số vài nghìn. Thấp nhất là hơn 3000 văn bản, nhiều nhất là năm 2014 với 3930 văn bản được ban hành.



Theo ông Cung, luật do Quốc hội ban hành, nhưng đã bị “tam sao thất bản”. “Ý chí của Quốc hội vì dân đã biến dạng thành ý chí của các ngành, thậm chí cá nhân liên quan, vài nhóm công chức? Đó là thực trạng của thể chế. Nó như mớ dây điện, tuân thủ thế nào, đúng chỗ này sai chỗ khác. Vì thế doanh nghiệp Việt Nam luôn phải thủ phong bì”, ông Cung nêu thực trạng.







Ông Cung bình luận, với sự chi phối luật của thông tư như hiện nay thì “có thể sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng” và điều này tác động đến tài sản doanh nghiệp.



“Một thay đổi như thế có thể doanh nghiệp sạt nghiệp luôn chỉ bằng một công văn điều hành. Họ giải thích lung tung, ông này đến bảo đúng, ông này đến bảo sai. Thể chế như thế tạo sự bấp bênh, rủi ro lớn, chi phí tuân thủ cực cao. Môi trường như thế không thể tính toán dài hạn, doanh nhân bình thường không làm được”, ông Cung bình luận.



Ông Cung nhấn mạnh khi mà doanh nghiệp đi chân chưa thoải mái, trên vai đè nặng thuế, phí, phong bì, đủ thứ. “Thi thoảng có ông lấy gậy chọc. Ta cố gắng đi từng bước, chậm rãi. Thế thì làm sao tiến cùng thiên hạ?”.



Về câu chuyện phong bì, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, kể câu chuyện mà ông biết khi làm việc với doanh nghiệp Thanh Hóa. Theo đó, một xã có 8 doanh nghiệp mới bầu lãnh đạo mới. Ông đã mời 8 doanh nhân đến chiêu đãi ngày doanh nhân, không phải trả tiền. Vậy nhưng khi nhận được thư mời, có đến 7 anh doanh nhân nói phải chuẩn bị phong bì.



“Câu chuyện nói lên một hằn sâu tư tưởng trong doanh nghiệp là cứ đến chính quyền phải mang phong bì. Vậy làm sao để doanh nhân đến chính quyền cảm thấy người ta được tôn trọng”, ông Lộc bình luận.



Ông Lộc nhấn mạnh, tạo việc làm cho cả triệu người dân Việt Nam để thoát nghèo chỉ có doanh nhân chứ không phải Nhà nước. “Không phải lãnh đạo địa phương nào cũng hiểu được như thế. Ai tạo được cả vạn lao động, lo cho cả vạn gia đình, phải phong họ anh hùng cho họ. Người đó phải được bảo vệ, tôn vinh. Tư duy này chưa thành tư duy của công chức, nên họ ứng xử khác”, ông Lộc bình luận.



Ông Lộc đem câu chuyện của NewYork và Cu Ba để dẫn chuyện. “Hai nơi này có dân số gần tương tự nhau. GDP New York trên 1.000 tỷ USD, trong khi Cu Ba chỉ trên 70 tỷ USD. Sự khác biệt ở chỗ Cuba gần như không có kinh tế tư nhân. Trong khi đó, tại Yew York có nhiều biển chỗ đỗ riêng cho xe thương mại, cả xã hội dành ưu tiên nhất cho kinh doanh”, ông Lộc cho biết.



Thay đổi thể chế có dễ?



Một vấn đề nữa, đó là nền kinh tế thị trường ở ta vẫn tồn tại môi trường của hành chính, hay cơ chế xin cho.



“Kinh tế thị trường với tư nhân là động lực thì sở hữu tư nhân phải là chủ yếu, phải được bảo vệ vững chắc. Còn ở ta đất đai, tài nguyên, đang là toàn dân và doanh nghiệp nhà nước. Rất nhiều tài sản đang ở dạng “chết”, không sử dụng được hiệu quả. Vì đại bộ phận nguồn lực nằm trong nhà nước, nhà nước đang sử dụng hành chính phân bổ. Đó là nền tảng kinh tế thị trường của Việt Nam”, ông Cung bình luận.



Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng thừa nhận ở tỉnh nào lãnh đạo gắn bó với doanh nghiệp như anh em, bạn bè thì kinh tế phát triển như tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Bắc Ninh…



Tuy nhiên, Nhà nước, thể chế không tự thay đổi, hoàn thiện, nếu như thị trường không thúc đẩy, buộc nó phải thay đổi.



Ông Cung cho rằng doanh nghiệp không thể ngồi chờ. Việt Nam phải bỏ thói quen có luật rồi cần chờ nghị định, thông tư.



“Ta không chấp nhận luật có hiệu lực, chưa có thông tư không vận hành được. Tôi sẽ vận dụng luật đó theo cách có lợi nhất cho tôi. Ta phải thay đổi như thế. Nếu cứ chờ sẽ có thông tư là ý chí một bộ, chưa hẳn tất cả vì lợi ích quốc gia. Họ tạo ra công cụ để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích của họ chứ không phải thúc đẩy phát triển”, ông Cung bình luận.



Do vậy, doanh nghiệp cần phải kiến nghị, không chấp nhận thông tư khác luật, đòi hỏi luật đủ rõ để thực hiện. Doanh nghiệp phải chủ động tham gia các cuộc tham vấn chính sách, không để sân chơi này dành cho vài nhóm lợi ích”.



Ông Cung đặc biệt nhấn mạnh doanh nghiệp cần chủ động khởi kiện hành chính, với các văn bản hướng dẫn không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích. Nó sẽ tạo áp lực buộc văn bản phải thay đổi. Mười đợt khởi kiện sẽ có thay đổi.



“Cứ lo tòa không chấp nhận thì nó sẽ tiếp tục như thế. Đòi hỏi nhà nước phải thay đổi ta cũng phải thay đổi. Thói quen phong bì phải thay đổi, vì đã tốn kém rồi. Không thể chờ, mà phải là một bên thúc đẩy, buộc thể chế hoàn thiện. Nói thì dễ, làm cực khó. Nhưng không phải bất khả thi. Nếu không có thể chế thị trường đầy đủ, bao dung, thì đàu tàu chỉ là khẩu hiệu thôi”, ông Cung nhấn mạnh.



MINH HUỆ










Theo stockbiz.vn