Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung 2 đối tượng đặc thù được xóa nợ thuế trong Luật quản lý Thuế. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại được xóa nợ nếu số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những công ty nhà nước đã cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước khi chuyển đổi sở hữu.



Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xin thêm cơ chế xóa nợ này sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính khẳng định không có chuyện cơ quan này muốn xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp Nhà nước hay cố tình tạo cơ chế ưu đãi riêng biệt cho nhóm này.



'Đây là thông tin chưa đầy đủ. Các đối tượng được bổ sung xóa nợ thuế theo đề xuất lần này là cần thiết để thực hiện chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đúng đạo lý và đúng quy định pháp luật', ông cho hay.



Vị này cũng lấy một ví dụ, có doanh nghiệp vốn 10 tỷ đồng, lỗ cũng bằng số này, tiền nợ thuế lại 8 tỷ đồng nữa. Theo ông, nếu không xóa thì ng có gì để cổ phần hóa theo chiến lược chung. Thay vào đó chỉ có thể giải thể doanh nghiệp này. Như vậy Nhà nước sẽ mất hết, thà xóa nợ để còn bán được vốn vẫn hơn.



Trước đó, khi đưa ra lấy ý kiến, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Phạm Đình Thi cũng lý giải, việc bổ sung này sẽ giải quyết dứt điểm những khoản nợ tồn tại cũ, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia là tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.



Bên cạnh đó, theo tờ trình Chính phủ, cơ quan soạn thảo còn cho hay, Luật Quản lý thuế đã có quy định tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế như gia hạn, xóa tiền thuế nhưng lạ chưa có chính sách với các khoản tiền lãi chậm nộp. Trong khi thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng nhưng tiền phạt do chậm nộp còn lớn hơn tiền thuế gốc ban đầu. 'Nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì tổng số tiền không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế', đại diện Bộ Tài chính cho hay.



Do đó, để tháo gỡ cơ quan này cũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp phát sinh trước ngày tháng7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015.



Thanh Thanh Lan










Theo stockbiz.vn