Niên vụ 2014-2015, ngành cà phê đặt mục tiêu xuất khẩu (XK) 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, khi niên vụ cà phê (từ tháng 10/2014 – 9/2015) sắp kết thúc, ngành cà phê mới XK được 1,05 triệu tấn.



Khó khăn chồng chất



Theo báo cáo của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), do giá cà phê từ đầu niên vụ tới nay đều ở mức thấp nên XK gặp nhiều khó khăn. 7 tháng đầu năm 2015, chỉ đạt 792 nghìn tấn với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, giảm gần 34% về khối lượng và giảm 33,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá trị XK cà phê ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.



Theo đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong tháng 7, giá cà phê trong nước biến động giảm mạnh theo xu hướng giá thế giới. So với cuối tháng 6, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên cuối tháng 7 giảm tới 1.900 đồng/kg xuống còn 35.600 - 36.100 đồng/kg, ngưỡng thấp nhất từ đầu niên vụ đến nay.



Do giá cà phê chưa có dấu hiệu phục hồi nên nông dân và doanh nghiệp XK đều không mặn mà với việc bán ra mà chỉ găm hàng chờ tăng giá. Điều này, dẫn đến lượng hàng tồn kho cà phê ngày một lớn, gây áp lực rủi ro lên tiêu thụ cà phê trong niên vụ mới.



Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến XK cà phê là do ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá, đồng nội tệ của nhiều nước sụt giảm mạnh trong đó có đồng VND. Điều này khiến hàng hóa của Việt Nam XK sang các nước có giá bán cao hơn nên khó cạnh tranh.



Tạo đột phá về chất lượng



Với những khó khăn trên, về lâu dài cần có bước đột phá mạnh mẽ về chất lượng mới có thể nâng cao giá trị cà phê XK, đem lại lợi nhuận cao cho sản phẩm.



Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối - cho biết: Giống như nhiều loại nông sản chủ lực khác, cà phê XK mới chỉ bán ở dạng nguyên liệu, chưa qua chế biến sâu. Các nước nhập khẩu mua sản phẩm về sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác, sau đó bán ra thị trường với giá cao hơn nhiều. Về khối lượng XK, cà phê Việt Nam chiếm đến 20%, nhưng xét về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới. “Muốn ngành cà phê phát triển, có giá trị XK lớn, người làm cà phê của Việt Nam phải tìm cách xây dựng thương hiệu riêng” - ông Hòa nhấn mạnh.



Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa cho rằng: Đã đến lúc doanh nghiệp phải tập trung nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất cà phê, đầu tư mở rộng quy mô, công suất chế biến từ dạng thô sơ sang cà phê bột, cà phê hòa tan... Có như vậy, ngành cà phê mới nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị XK.

Tiềm năng XK sẽ mở ra đối với cà phê Việt nếu sản phẩm được chế biến với dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại và có chiến lược mở rộng thị trường mang tính khả thi cao.



Quỳnh Nga - Lan An








Theo stockbiz.vn