Nhập siêu lại tiếp tục tăng mạnh, nhất là từ Trung Quốc trong tháng 8/2015. Điều này khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng sẽ tác động xấu đến nền kinh tế cũng như tạo bất lợi cho các doanh nghiệp nội. Điều khiến dư luận quan tâm là phải chăng các biện pháp giảm nhập siêu, các chính sách tăng cường xuất khẩu từ nhiều năm nay dường như không còn hiệu quả, lỗi tại cơ chế hay tại doanh nghiệp?



Sự phụ thuộc lớn của sản xuất và tiêu dùng trong nước vào nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục là bài toán đau đầu các nhà quản lý kinh tế và các doanh nghiệp nội địa. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, nhập siêu tháng 8/2015 ước tính đạt 100 triệu USD và trong 8 tháng đầu năm 2015 cả nước nhập siêu ước tính 3,6 tỷ USD, tương đương 3,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể hơn, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13 tỷ USD (tăng 44% so với mức 9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014).



Xuất nhập mất cân đối



Đáng lưu ý, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 8 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng là nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất: ô tô đạt 3,8 tỷ USD, tăng 80,2% (ô tô nguyên chiếc tăng 132,1%, trong đó ô tô dưới 9 chỗ tăng 63,3%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 18,9 tỷ USD, tăng 33,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,1 tỷ USD, tăng 35,3%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,1 tỷ USD, tăng 36,3%…



Điều đáng bàn, trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Trung Quốc với giá trị khoảng 22,3 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc với 13,7 tỷ USD.



Tổng cục Thống kê phân tích: Giá dầu thô đang giảm mạnh sẽ làm kim ngạch xuất khẩu giảm; tăng trưởng xuất khẩu luôn thấp hơn nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm do tác động của tình hình Trung Quốc đang gây áp lực lớn đến mục tiêu kiểm soát nhập siêu những tháng cuối năm 2015.



Theo phân tích, trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đợt điều chỉnh tỷ giá kép, nới rộng biên độ tỷ giá, giúp hạn chế phần nào khó khăn cho xuất khẩu, hạn chế thâm hụt.



Tuy nhiên, riêng tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đang gây ra nhiều làn sóng lo ngại và chỉ trích về sự chênh lệch cực lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này.



Tình trạng này đã được cảnh báo từ khá lâu khi kể từ năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô không ngừng tăng qua các năm, với tốc độ rất nhanh, từ khoảng 200 triệu USD năm 2001, lên đến 16 tỷ USD đến năm 2012.



Sau hơn 10 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng hơn 76 lần. Những năm gần đây, con số này tiếp tục tăng, từ 23,7 tỷ USD năm 2013, lên 28,9 tỷ USD vào năm 2014, như vậy, tính đến năm 2014, kim ngạch Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng tới khoảng 144 lần. Nói với báo chí trước con số thống kê mới nhất về tình hình nhập siêu từ Trung Quốc, PGs.Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nguyên chính là do hệ thống chính sách định hướng, từ tỷ giá, lãi suất, đất đai, hệ thống động lực….



Trong câu chuyện này, theo PGs.Ts Trần Đình Thiên, không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp. Hệ thống chính sách đã làm cho cơ cấu kinh tế sai lệch, không khuyến khích sản xuất trong nước, làm các ngành công nghiệp luôn nằm ở đáy của chuỗi giá trị.



Chỉ nhìn riêng cấu trúc xuất nhập khẩu với Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế, có thể thấy những bất hợp lý như hiện nay. Đó là tình trạng Việt Nam chỉ xuất toàn hàng nông sản thô, khoáng sản thô. Xuất như thế thì cực kỳ thiệt thòi, để các doanh nghiệp của họ làm tiếp và hưởng hết giá trị gia tăng. Còn mình nhập của họ rất nhiều, hầu hết là nguyên liệu đầu vào, để không phải làm.



Không những vậy, các doanh nghiệp trong nước nhập hàng của họ để lắp ráp, gia công, nghĩa là đã xuất khẩu hộ các doanh nghiệp Trung Quốc và chỉ được hưởng có chút giá trị ít ỏi.



'Chúng ta ở đẳng cấp vô cùng thấp. Còn họ thì xuất 'ăn' đường xuất, nhập 'ăn' đường nhập. Cấu trúc kinh tế của chúng ta sai lệch quá rồi, không sao thay đổi được'- PGs.Ts Trần Đình Thiên bộc bạch.



Có thể nhận thấy mức nhập siêu lớn từ Trung Quốc sẽ gây ra sức ép rất nặng đối với kinh tế Việt Nam vì nó khiến Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Và khi đó, Việt Nam sẽ phải chịu nhiều hậu quả, một là mất ngoại tệ, hai là mất thị trường trong nước và ba là công nhân trong nước mất công ăn việc làm. Khi người tiêu dùng Việt Nam mua hàng của Trung Quốc thì đồng nghĩa với việc họ trả lương cho công nhân Trung Quốc.



Cần cải thiện cán cân thanh toán



Từ chuyện nhập siêu với Trung Quốc cũng đủ để phác thảo bức tranh xuất nhập bất hợp lý như hiện nay cũng như hậu quả của nhập siêu. Giới chuyên gia kinh tế đã từng cảnh báo những hiểm họa của tình trạng nhập siêu lớn. Chẳng hạn, nhập khẩu tràn lan vượt quá kiểm soát của chính phủ sẽ dẫn tới hiện tượng lãng phí ngoại tệ, tác động xấu đến sản xuất trong nước. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới xu hướng 'sùng ngoại', khiến hàng nội địa khó tiêu thụ hơn.



Quan trọng hơn, nhập siêu thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, khiến chúng ta phải gia tăng vay nợ bằng cách phát hành thêm trái phiếu. Trong một thời gian dài, nhập siêu sẽ khiến con số nợ công ngày càng tăng vì suy cho cùng, đều phải dựa vào xuất khẩu để trả nợ và lãi.



Tình trạng nhập siêu cao khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Nếu trong một thời gian dài, đất nước nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu, sẽ lâm vào cảnh nợ nần, trong khi hàng hóa nội địa ngày càng bị hàng ngoại lấn át.



Qua thời gian, giới đầu tư sẽ nhận thấy tình trạng suy yếu trong tiêu thụ hàng hóa nội địa, một diễn biến gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước và cũng làm suy giảm giá trị cổ phiếu của họ. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến 'sức khoẻ' của thị trường chứng khoán Việt Nam.



Để kiểm soát được nhập siêu, hạn chế nhập siêu thì vẫn cần xét trên quan điểm hai mặt của vấn đề là nhập khẩu và xuất khẩu. Hạn chế nhập siêu tức là tăng cường thúc đẩy xuất khẩu và thắt chặt nhập khẩu.



Tuy nhiên, với các chính sách quản lý nhập khẩu vẫn còn lỏng lẻo, nhiều bất cập; còn các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu thì dường như 'dậm chân tại chỗ' như hiện nay thì rõ ràng tình hình nhập siêu sẽ khó đổi hướng trong một sớm một chiều.



Chỉ riêng bối cảnh nguyên liệu, vật liệu đầu vào phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, Hàn Quốc như hiện tại, ngay như bản thân các chuyên gia kinh tế cũng chưa hình dung nổi Việt Nam sẽ chuyển hướng ra sao, và nếu không chuyển hướng thì được hưởng lợi gì từ các hiệp định thương mại tự do.



Trước tình hình nhập siêu như hiện nay, để cứu vãn, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để về lâu dài cải thiện cán cân thanh toán. Trong đó, đáng chú ý, ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1467/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030.



Theo Đề án, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 phấn đấu đạt 300 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11-12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020; phấn đấu cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại bền vững từ năm tiếp theo.







Ts. Nguyễn Xuân Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc



-------------------------------



Một mặt Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc bất lợi, bất an và rủi ro, mặt khác không kém quan trọng là khai thác những lợi ích, lợi thế và hiệu ứng tích cực trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Do đó, về trước mắt, chúng ta cần quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Đặc biệt là vấn đề truy xuất xuất xứ hàng hóa. Cấm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, hạn chế xuất nguyên liệu thô. Xây dựng tiêu chuẩn và hàng rào thương mại, môi trường phù hợp với qui định của của tổ chức thương mại thế giới, để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.







Thế Vinh










Theo stockbiz.vn