Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và các ngân hàng thương mại năng lực khác được chỉ định huy động vốn cho EVN. Tập đoàn này sẽ dùng nguồng vốn vay được để bổ sung vào vốn đối ứng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.



Với trách nhiệm là chủ đầu tư quản lý và thực hiện Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có vai trò chính trong việc tham gia hỗ trợ nguồn vốn đối ứng của dự án. Tỷ lệ tham gia là 15% vốn theo yêu cầu của tổ chức cho vay vốn nước ngoài.



Để chuẩn bị nguồn vốn này, EVN sẽ sử dụng nguồn kinh phí từ Qũy hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, tiếp tục bán cổ phần các Genco...



Ngoài ra, các ngân hàng thương mại Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và các ngân hàng thương mại năng lực khác được chỉ đạo huy động vốn cho EVN.



Nguồn vay này, EVN sẽ chi trả cho các khoản mục chi phí của dự án không thuộc đối tượng tài trợ của Hiệp định tín dụng xuất khẩu Nhà nước Liên Bang Nga, Chính phủ Nhật Bản. Đồng thời, nguồn vốn cũng dành chi trả cho các dự án thành phần khác.



Theo dự thảo cơ chế đặc thù quản lý và thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn theo cơ chế:



* Các ngân hàng cho vay được miễn thẩm định hiệu quả kinh tế, tài chính và khả năng trả nợ của dự án và chủ đầu tư khi thực hiện cho vay.



* Các ngân hàng được cấp tín dụng vượt các hạn chế tín dụng, các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.



*Bộ Tài chính cũng cấp bảo lãnh Chính phủ cho toàn bộ dư nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác phát sinh từ khoản vay. Đồng thời, ngân hàng được gốc hóa toàn bộ lãi vay trong giai đoạn xây dựng.



Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là tên gọi chung của chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân I và II đang trong dự án xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW.



Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân I và II sẽ được khởi công vào tháng 12 năm 2014 và hoàn thành vào năm 2022 (phát điện vào cuối năm 2020). Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.



Dự thảo cơ chế tài chính cho Dự án điện hạt nhân gồm nguồn vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước Liên Bang Nga, vốn ưu đãi của Chính phủ Nhật, vốn đối ứng của EVN (trong đó bao gồm nguồn vay từ các ngân hàng thương mại.



Huyền Thương










Theo stockbiz.vn