Bảy tháng đầu năm, ngành dệt may trong nước đã đứng thứ hai về thu hút vốn và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 1,12 tỷ USD chiếm hơn 20% tổng vốn. Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, lượng vốn lớn, nhiều nhà đầu tư đang nhòm ngó ngành dệt may vì ngành này đang có nhiều lợi thế về xuất khẩu vào các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khi các Hiệp định thương mại tự do song, đa phương và Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.



Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư 7 tháng đầu năm 2015, dệt may chiếm hơn 1 tỷ USD, với 3 dự án lớn là dự án máy sản xuất và chế biến sợi của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng ở Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lên đến 660 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. Kế đến là dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may đầu tư tại Bình Dương, có vốn đầu tư đăng ký 274 triệu USD của công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) và cuối cùng là dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai có tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD của nhà đầu tư Hồng Kông tại tỉnh Tây Ninh…



Lần đầu tiên có vốn tỷ đô



Theo thống kê, vốn FDI dệt may đến hết năm 2014, chưa dự án nào vượt 500 triệu USD. Ngành này chỉ có 3 dự án trăm triệu USD đều thuộc vốn đầu tư từ Trung Quốc như: Dự án 400 triệu USD xây khu công nghiệp dệt may tại Nam Định; dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu của TAL tại Hải Dương.



Có thể nói, với hàng loạt lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã gia nhập, Việt Nam đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các DN dệt may ngoại đầu tư. Vấn đề còn lại là sự trở mình của các DN dệt may nội địa. Dường như chúng ta đang chậm chân hơn làn sóng DN FDI để nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực từ đầu năm 2016 tới.



Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vốn FDI cấp mới và tăng thêm vào ngành dệt may vẫn còn rất tiềm năng và ngành này cần nỗ lực cải tổ để chủ động hội nhập. Thời gian tới, ngành này cần cải tổ nhanh và mạnh hơn nữa, trong đó có sự chủ động về nguyên phụ liệu, đổi mới công nghệ may và nâng cao năng lực thiết kế thời trang…



Việt Nam cần giảm nhanh tình trạng phụ thuộc lớn vào nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, nước không tham gia TPP, bởi các nhà đàm phán Mỹ đều lo ngại hàng dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với các rủi ro chính sách, pháp luật nếu vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.



Hiện Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản là ba thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, riêng thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, bỏ xa các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ…



'Cơ hội vàng' cho dệt may



Một trong những nguyên nhân khiến ngành dệt may Việt Nam thu hút nhiều FDI và số vốn của dự án lớn trong thời gian vừa qua chính là các cơ hội và thế mạnh của ngành này ngày một tăng. Việt Nam đang tham gia sân chơi tự do thuế quan với nhiều nước trên thế giới trong đó có 8 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Đây đều là những thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam.



Có thể nói, với hàng loạt lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã gia nhập, Việt Nam đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các DN dệt may ngoại đầu tư.



Mới đây, tại Diễn đàn Dệt may được tổ chức ngày 26/6, các chuyên gia nước ngoài khẳng định: do tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành dệt may Việt Nam đang có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư dệt may Hoa Kỳ, EU.



Theo bà Julia K. Hughes – Chủ tịch Hiệp hội thời trang Mỹ, cho biết: Việt Nam đang được xem là nước có lợi thế nhất trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) như: nguồn lao động giá rẻ, quy mô sản xuất, xuất khẩu lớn chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brasil. Thuế xuất hàng dệt may từ Việt Nam vào Mỹ, Nhật Bản, EU sẽ là 0%. Hàng dệt may Việt Nam sẽ không có đối thủ cạnh tranh về giá bởi TPP không có sự tham gia của 3 đối thủ trên.



Theo phân tích từ Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta vào EU khi chưa có FTA chỉ đạt khoảng trên 300 triệu USD/năm. Nhưng khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, kim ngạch sẽ tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Đó là chưa kể, nếu TPP cũng được thông qua, sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ, EU được giảm thuế còn 0% thì lợi thế cạnh tranh còn lớn hơn.



Bên cạnh đó, theo lý giải của một nhóm nhà đầu tư Nhật Bản mới đây, lý do khác khiến các DN ngoại ồ ạt đầu tư nhà máy dệt may tại Việt Nam nằm ở việc các DN Việt đang 'bỏ quên sân nhà'.



Ngành dệt may Việt Nam hiện có hơn 2.000 DN nhưng chủ yếu là gia công, xuất khẩu, các DN này nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu nước ngoài. Theo nguyên tắc, các ưu đãi thuế quan sẽ không cho phép một nước thành viên được hưởng thuế quan 0% đối với hàng có nguồn gốc xuất xứ từ một quốc gia khác. Chính vì thế, đã và đang có nhiều DN nước ngoài hướng đầu tư vào xây dựng ngành dệt, nhuộm, xơ sợi Việt Nam để tận dụng dư địa phát triển.



Mặc dù số vốn tăng mạnh song các chuyên gia kinh tế khẳng định ngành dệt may vẫn còn rất tiềm năng và ngành này cần nỗ lực cải tổ để chủ động hội nhập, trong đó có sự chủ động về nguyên phụ liệu, đổi mới công nghệ may và nâng cao năng lực thiết kế thời trang…



Hiện các DN dệt may Việt vẫn nhập gần 50% nguyên phụ liệu, trong đó phần lớn là: sợi dệt, vải, bông, hóa chất nhuộm… Trong báo cáo mới nhất của Tập đoàn Dệt may, Việt Nam nhập khẩu 48% nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc. Năm 2014, ngành này cũng nhập khoảng 9,4 tỷ USD nguyên phụ liệu để phục vụ cho xuất khẩu.



Lê Thúy










Theo stockbiz.vn