Trong một báo cáo về kinh tế vĩ mô của Việt Nam công bố ngày 10/8, Ngân hàng HSBC đã đưa ra đánh giá về EVFTA sau khi EU và Việt Nam ngày 4/8/2015 tuyên bố về việc đã thống nhất về mặt nguyên tắc các điều khoản của hiệp định thương mại tự do (FTA) sau quá trình đàm phán kéo dài 2 năm rưỡi.



Kết thúc đàm phán, bước tiếp theo là gì?



Theo HSBC, Hiệp định FTA Việt Nam-EU đã thông qua về mặt nguyên tắc trong thời gian hiện tại sẽ còn được bàn bạc cụ thể thêm nữa. Các đoàn đàm phán sẽ phải giải quyết một số vấn đề kỹ thuật còn lại và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.



Ủy ban Châu Âu dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2015.



Một khi văn bản hoàn chỉnh được hoàn tất, các bên sau đó sẽ tiến hành phê chuẩn hiệp định và và chỉ khi đó hiệp định này mới chính thức có hiệu lực và đi vào thực hiện.



HSBC nhận định, trong trường hợp của EU, quá trình phê chuẩn có thể mất 1 năm hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào tốc độ xem xét của cả Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cũng như bản chất của tham vấn cần thiết với các nước thành viên EU.



EVFTA mở đường cho nhiều loại hàng hoá



Dẫu sao, ngân hàng lớn nhất Châu Âu vẫn lên tiếng hoan nghênh hiệp định này, trích dẫn thông cáo báo chí của EU cho rằng đây là “hiệp định FTA tham vọng và toàn diện nhất mà liên minh EU đã từng ký kết với một quốc gia đang phát triển”, và hiệp định này là “một viên gạch nữa hướng tới mục tiêu cuối cùng của liên minh EU là hiệp định FTA toàn diện giữa EU và ASEAN'.



Với EVFTA, bên cạnh việc loại bỏ các mức thuế suất của EU trong lộ trình 7 năm và giải quyết các vấn đề thương mại hàng hóa liên quan, hiệp định này cũng bao gồm các điều khoản về đầu tư và dịch vụ.



Ngoài việc giảm thuế suất đối với các mặt hàng nhạy cảm như giày dép, HSBC cho rằng tự do hóa đầu tư và dịch vụ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam và góp phần cải thiện năng suất.



Việt Nam đang có những bước tiến trong quá trình chuyển đổi kinh tế của mình. Cho dù đó là Quốc lộ 1A hay sân bay Nội Bài ở Hà Nội, Việt Nam đang chuyển mình để chuẩn bị cho việc đón nhận nhiều hoạt động giao thương hơn nữa với các khu vực còn lại của thế giới, đặc biệt là EU và Mỹ - 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.



GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 400 USD năm 2000 lên 2.000 USD vào năm 2014. Sau quá trình bị tàn phá bởi chiến tranh và chính sách hợp tác hoá vào những năm 1980, Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp, một phần nhờ vào việc mở cửa đối với hoạt động thương mại.







Một nền kinh tế 93 triệu dân với lợi thế so sánh lớn nhất vẫn là chi phí lao động thấp đã khiến cho vị thế thương mại của Việt Nam khá bổ sung cho các thị trường phát triển khác như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.



Mặc dù môi trường thương mại ngày nay khá cạnh tranh, HSBC cho rằng Việt Nam vẫn có thể tăng thị phần của mình bằng cách chủ động tự do hóa nền kinh tế bằng việc gia nhập khối ASEAN vào năm 1995, khối AFTA vào năm 2005 và sau đó là gia nhập WTO vào năm 2007.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn