Trong Báo cáo kinh tế 7 tháng năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2015 ở mức 6,4%, cao hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 6,28%.



GDP cả năm nay có khả năng đạt 6,5%. Đà phục hồi tăng trưởng này có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tăng trưởng tốt; nhập siêu so với kim ngạch XK giảm so với 6 tháng đầu năm. Biểu hiện ở con số 7 tháng năm 2015, tổng kim ngạch XK ước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập siêu ước 3,4 tỷ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch XK (giảm 1,2 điểm phần trăm so với 6 tháng). Khu vực DN có dấu hiệu phục hồi khá, tăng trưởng về quy mô tốt nhất kể từ năm 2009.



Sau thời gian dài, cùng với sự nỗ lực từ phía các DN và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tình hình sản xuất, kinh doanh của khu vực DN nhỏ và vừa đã có nhiều cải thiện tích cực khi doanh thu bình quân tại quý I là 60,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (15,89%). Tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tăng 9,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%) - mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.



Báo cáo của NFSC cũng đánh giá thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định trong 7 tháng qua. Các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định là việc Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự nhất quán trong điều hành tỷ giá. Và mức giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường. Cùng với đó, cán cân thương mại có sự cải thiện, kiều hối năm 2015 dự kiến lên tới 13 - 14 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân có xu hướng tăng. Trừ một số ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cần hỗ trợ thanh khoản, các tổ chức tín dụng khác thanh khoản tương đối ổn định.



Tuy nhiên, NFSC nhận xét, việc phát hành trái phiếu Chính phủ còn chậm. Tính từ đầu năm, phát hành trái phiếu Chính phủ qua Kho bạc Nhà nước được 86.106,69 tỷ đồng, chỉ đạt 34,4% kế hoạch năm với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm. Trong khi đó, tín dụng tăng khá mạnh. Tính đến tháng 7, tín dụng tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 3,15%). Theo khảo sát của NFSC, 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào quý III/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Điều này cho thấy nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đang tăng trở lại.



Một điểm cần lưu ý nữa là thu ngân sách: Đến giữa tháng 7 đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 (57,3%). Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn: Thu từ dầu thô giảm 32,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm, nên dự báo thu ngân sách đạt dự toán.



Minh Trang










Theo stockbiz.vn