Trong báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố ngày 5/8, HSBC cho biết, không giống như đa số các nước trong khu vực ASEAN, hoạt động giao thương của Việt Nam với Mỹ và Châu Âu vẫn đang cải thiện, trong khi đà tăng trưởng của 2 khu vực kinh tế lớn này lại cũng đang mạnh lên.



Về tình hình chung của thế giới, các số liệu mới nhất như xuất khẩu hay chỉ số PMI đều nêu bật tình trạng các hoạt động thương mại đang chậm lại. Và đây không phải là vấn đề của riêng của Châu Á. Số liệu thương mại cho thấy chiếc bánh xuất khẩu toàn cầu 19.000 tỷ USD đã không tăng trưởng trong năm 2014.



Hàng hoá đã lấy đi 2 điểm phần trăm của tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu, trong khi chế biến chế tạo lại làm tăng thêm 2 điểm phần trăm, đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng chung không có.



HSBC cho rằng điều đó cơ bản có 3 ý nghĩa. Một, cách duy nhất để tăng trưởng xuất khẩu là giành thị phần từ các nước khác. Hai, các nước có hoạt động sản xuất cao hơn sẽ ổn hơn so với những nước phụ thuộc vào hàng hoá. Ba, các quốc gia có lợi thế so sánh trong ngành sản xuất có khả năng sẽ hoạt động tốt hơn.



HSBC cho rằng Việt Nam đang ở vị thế sẽ tiếp tục chiếm thêm một phần thị phần sản xuất toàn cầu vì 3 nguyên do.



Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế so sánh về chi phí lao động để thu hút các hoạt động sản xuất vốn cần nhiều lao động. Cùng với đó, Chính phủ vừa qua cũng rất năng nổ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất bằng cách hỗ trợ các mức thuế ưu đãi và cải thiện cơ sở hạ tầng.



Thứ hai, Việt Nam có hoạt động xuất khẩu đa dạng, với Châu Âu và Mỹ là các đối tác lớn nhất. Tăng trưởng xuất khẩu đến Trung Quốc và Hàn Quốc cũng rất mạnh.



Trên cơ sở Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và đang xúc tiến một hiệp định toàn diện với cả Mỹ và Châu Âu thông qua Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), HSBC kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giành được thêm nhiều thị phần.



Thị phần của Việt Nam trong tổng thương mại toàn cầu đã tăng từ mức 0,7% năm 2013 lên 0,8% năm 2014.



Chỉ số PMI tháng 7 cũng tiếp tục tăng từ mức 52,2 điểm trong tháng trước lên 52,6 điểm.



Mặc dù những yếu tố khách quan bên ngoài có đôi chút bất lợi, nhưng lợi thế so sánh của Việt Nam về chi phí lao động và danh mục đầu tư hạn chế làm giới hạn sự ảnh hưởng của tình trạng nhu cầu bên ngoài đang chậm lại và bản chất khó đoán trước của các dòng vốn.



HSBC cho rằng những rủi ro lớn nhất đối với Việt Nam lại đến từ những yếu tố chủ quan trong nước, trong đó có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng khiến Bộ Tài chính mới đây phải cố gắng khai thác nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Thứ hai, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước tiếp tục lấn át khối tư nhân có hoạt động đầu tư hiệu quả hơn.



Dưới đây là một số dự báo chính của HSBC đối với Việt Nam:







Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn