Mỹ và Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng về quy định xuất xứ và tiếp cận thị trường đối với ngành dệt may của Việt Nam sau nhiều tháng đàm phán không có tiến triển.



Theo nguồn thạo tin, Mỹ đã đưa ra một số đề xuất linh hoạt về các vấn đề này, song đổi lại Mỹ yêu cầu phía Việt Nam phải nhượng bộ trong một số vấn đề khác trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).



Cụ thể, Mỹ có thể rút ngắn tiến trình từ giảm đến miễn hoàn toàn thuế quan đối với một số sản phẩm nhạy cảm nhất của Việt Nam xuống 12-13 năm. Các nhà đàm phán của Mỹ trước đó đề xuất đưa một số mặt hàng dệt may của Việt Nam vào một giỏ hàng hóa “x”. Các hàng hóa này được hưởng cơ chế giảm thuế quan đáng kể khi thỏa thuận có hiệu lực nhưng sau đó sẽ không được giảm thêm cho đến khi được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn vào năm thứ 10 đối với sản phẩm đan, năm thứ 15 cho sản phẩm dệt kim.



Ngoài ra, Mỹ cũng phát tín hiệu sẵn sàng cân nhắc áp dụng các thời hạn khác nhau cho từng sản phẩm khác nhau phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng sản phẩm. Vid dụ, mức cắt giảm thuế quan lớn có thể lên đến 35-50%. Thêm vào đó, Mỹ cũng sẵn sàng đưa một số sản phẩm trong giỏ “x” vào diện cắt giảm thuế quan bổ sung ở giữa giai đoạn tiến tới xóa bỏ thuế.



Tuy nhiên, sau đó, hai bên sẽ tham vấn thêm phía Peru và Mexico. Peru và Mexico tuy không tỏ ra “hào hứng” với những đề xuất này nhưng cho biết quan điểm của họ không đủ để ngăn phía Mỹ và Việt Nam tiến tới thỏa thuận nếu điều này giúp hoàn tất TPP.



Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam và Mỹ có đạt được thỏa thuận về vấn đề thị trường dệt may hay không phụ thuộc vào kết quả các đàm phán khác như tiếp cận thị trường nông sản.



Nguồn tin cho biết, hiện Australia và New Zealand đang đưa ra yêu cầu riêng về dệt may gắn với ngành sản xuất sợi. Tuy nhiên, cả 2 nước này đều ủng hộ cơ chế ngoại lệ đối với quy tắc “từ sợi trở đi” (yarn-forward )



Minh Phương - Theo ISO










Theo stockbiz.vn