Ngày 24/7, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước. So sánh trong 13 năm gần đây, CPI tháng 7 đầu năm tăng thấp nhất và tăng dưới 1%. Loại trừ năm 2012, thì CPI tháng 7 năm 2015 so với tháng trước cũng có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.



Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế chia sẻ, xu hướng của CPI năm 2015 tương đối khác một chút so với thông lệ của Việt Nam. Thông lệ của Việt Nam là theo hình sin với 2 đỉnh cao nhất là tết và sau tết, còn đáy thấp nhất là vào cuối quý 3. Nhưng trong năm nay, đặc biệt là nửa đầu năm lại có xu hướng ngược lại, là thấp vào đầu năm và giờ có xu hướng tăng nhẹ.



Điều này được ông Phong giải thích bởi 2 lý do, thứ nhất là mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, cũng như giá điện hay giá các dịch vụ khác thì CPI tăng. Thứ 2 là liên quan đến độ trễ của những chính sách kích cầu, khi chúng ta kích cầu mạnh và gia tăng những hoạt động hỗ trợ thì sau vài ba tháng hoặc 6 tháng thì tác động của nó sẽ phát sinh và cộng hưởng, tạo ra sự tăng lên của CPI.



Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lạm phát thấp trong khi tăng trưởng cao là yếu tố tiên quyết tạo điều kiện cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là yếu tố không thể thiếu được để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.



Tổng cục Thống kê khẳng định, nếu như không có đột biến trong những tháng cuối năm thì CPI 2015 có thể đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 5%.



Tuy nhiên, ngay giữa lúc tăng trưởng cao hơn cả mục tiêu và lạm phát thấp không thể ngờ đến, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo tránh lạc quan sớm. Bởi, ở một góc độ khác, CPI thấp cho thấy sức mua của người dân thấp.



Thậm chí, có dự báo cho rằng, nếu tăng trưởng kinh tế chỉ loanh quanh 6-6,25% thì kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào giảm phát.



Nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính cho rằng, khi lạm phát quá thấp mà lãi suất không hạ được theo lạm phát thì sẽ dẫn đến lãi suất thực tăng. Khi lãi suất thực tăng thì sẽ cản trở đầu tư, tiêu dùng và làm cho tổng cầu yếu đi.



“Nếu như lạm phát xuống 0% mà lãi suất cũng xuống được 3-4% thì tôi nghĩ là sẽ không có vấn đề gì. Cho nên khi lãi suất cố định ở 8% thì lúc ấy chúng ta cần đưa lạm phát 3-4% để lãi suất thực còn chỉ 3-4%, nếu lãi suất 8% mà lạm phát 0% thì lãi suất thực cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, cản trở tốc độ phát triển kinh tế”, ông Độ lý giải.



Cùng với đó, việc tăng giá xăng dầu, điện và các dịch vụ y tế cũng khiến cho người dân càng thêm khó khăn. Do đó, ông Độ cũng khẳng định, để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần phải cao hơn 6,5%. Và nếu GDP chỉ ở mức 6-6,25%, xác suất nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát là rất lớn.



Vũ Nguyệt










Theo stockbiz.vn