6 tháng đầu năm, trung bình xuất khẩu 12,95 tỷ USD/tháng.



Bộ Công Thương vừa có báo cáo tổng kết tình hình kinh tế trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 không cao do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm tương đối nhiều so với cùng kỳ 2014.



Xuất khẩu đạt 77,7 tỷ USD, đạt 47% kế hoạch



Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt khoảng 77,7 tỷ USD, tăng khoảng 9,3% so với năm 2014, tương đương với 6,6 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu đã hoàn thành 47% kế hoạch đặt ra trong năm 2015 là 165 tỷ USD.



Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 29,4%, ước đạt 22,864 tỷ USD, giảm 2,9%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 67,8% ước đạt 52,714 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2014.



Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng công nghiệp chế biến, 6 tháng đầu năm, cả nước có 16 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.



[replacer_img]

Tỷ trọng xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm






Đánh giá về hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng. Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, hầu hết các mặt hàng đều có kim ngạch tăng.



Xuất khẩu sang thị trường khu vực truyền thống tiếp tục giữ vững: các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ... tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng.



Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhẹ, (tháng 6 tăng khoảng 3,2% so với tháng 5, tháng 5 tăng 8% so với tháng 4).



Nhập khẩu đạt gần 81,5 tỷ USD



Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt khoảng 81,498 tỷ USD, tăng khoảng 17,7% so với năm 2014, tương đương với 12,3 tỷ USD.



Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước ước đạt 32,7 tỷ USD, chiếm 40% tổng KNNK, tăng 7,7%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 48,8 tỷ USD, chiếm 60%, tăng 25,5% so với năm 2014.



Như vậy, tính trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 159,198 tỷ USD. Theo đó Việt Nam nhập siêu đến gần 3,8 tỷ USD.



Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 17,6%), chiếm tỷ trọng 88,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.



Một số mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn như máy tính, sản phẩm điện tử tăng cao so với cùng kỳ, đây được xem là tiền đề để dự báo xuất khẩu các nhóm hàng này sẽ có tăng trưởng mạnh trong các tháng tiếp theo.



Nhập khẩu từ Trung Quốc tháng 6 đã giảm nhẹ so với tháng 5 (tháng 5 tăng 19,1%, tháng 6 giảm 2,8%).



Doanh nghiệp FDI làm chủ cuộc chơi



Theo Bộ Công Thương, giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.



Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất... vì vậy, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài.



Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất.



Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng thấp hơn khối doanh nghiệp FDI.



Nguyên nhân được Bộ Công Thương cho là do nguồn cung thế giới tăng trong khi cầu chưa tăng tương ứng tạo sức ép cạnh tranh đối với xuất khẩu và làm giảm giá xuất khẩu.



Xu hướng bảo hộ của các nước nhập khẩu tiếp tục gia tăng đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...



Nông thủy sản là mặt hàng có tính mùa vụ. Thông thường kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm đều giảm do thị trường tiêu thụ chưa hết hàng nhập từ cuối năm trước.



Giá và lượng xuất khẩu của một số hàng hoá giảm.



Nhập khẩu và xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đều tăng thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.



Dự báo 6 tháng cuối năm 2015



Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 165 tỷ USD, trong khi 6 tháng đầu năm mới đạt hơn 77,7 tỷ USD bằng 47% kế hoạch (bình quân 1 tháng đạt 12,95 tỷ USD); 6 tháng tiếp theo phải đạt gần 87,3 tỷ USD, bình quân 1 tháng phải đạt 14,55 tỷ USD.



Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực mới hoàn thành được các mục tiêu xuất nhập khẩu đề ra.



Dự báo trong những tháng tới, tổng mức bán lẻ hàng hoá sẽ tiếp tục tăng nhẹ, giá cả hàng hoá có thể sẽ tăng. Với đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ năm 2015 sẽ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, tăng khoảng 11-12% so với năm 2014.



Bạch Dương












Theo stockbiz.vn