CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đề xuất cho phép Tập đoàn xuất hóa đơn tài chính và thanh toán cước vận tải cho các đại lý vận tải nước ngoài tại Việt Nam bằng ngoại tệ, thay vì VND như lâu nay.



Điều này tạo cơ sở cho việc sử dụng các chi phí vận tải quốc tế thực trả, bởi doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tính toán biên độ phá giá, nhằm tránh được những tác động tiêu cực từ việc sử dụng giá trị thay thế của nước thứ ba cho các khoản chi phí này.



Trong hơn 10 năm qua, ngành tôm Việt Nam đã phải liên tục đấu tranh với Bộ Thương mại Mỹ trong vụ kiện này để có thể duy trì được mức thuế suất chống phá giá tương đối thấp. Tuy nhiên, trong thời gian chờ phán quyết được thực thi, MPC và các doanh nghiệp tôm vẫn đang phải tiếp tục đấu tranh trong các kỳ rà soát lần thứ 9, lần thứ 10 hiện nay và sắp tới là kỳ rà soát lần thứ 11.



Do phía Bộ Thương mại Mỹ đang liên tục thay đổi chính sách và phương pháp tính thuế nhằm không ngừng tăng nguy cơ áp thuế cao cho doanh nghiệp Việt Nam, MPC đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt đối với vấn đề thanh toán phí cước vận tải quốc tế bằng USD hoặc ngoại tệ mạnh khác, để có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bị tăng mức thuế chống phá giá của Việt Nam trong vụ kiện này.



Cụ thể, theo quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam và gần đây nhất là tại Thông tư 32/2013/TT – NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 26/12/2013, cước vận tải quốc tế do các hãng tàu phát hành tại Việt Nam phải được phát hành hóa đơn và thanh toán bằng đồng Việt Nam.



Đây là lý do để Bộ Thương mại Mỹ có khả năng sẽ áp dụng chính sách tính thuế chống phá giá mới cho Việt Nam kể từ kỳ rà soát lần thứ 9: sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba cho cước vận tải quốc tế, thay vì chấp nhận mức chi phí thực tế như trong các kỳ rà soát trước.



Theo thông tin từ phía luật sư của các doanh nghiệp, chỉ riêng việc này đã có thể làm tăng mức thuế suất chống phá giá thêm từ 2 – 4%. Việc này sẽ gây khó khăn và tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam do số thuế chống phá giá phải nộp thêm ước tính sẽ tăng thêm từ 10 – 30 triệu USD/năm (tính theo kim ngạch tôm nhập khẩu vào Mỹ).



Với lý do Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, Bộ Thương mại Mỹ có khả năng sẽ chỉ chấp nhận sử dụng chi phí thực tế từ nhà cung cấp ở các nước có nền kinh tế thị trường (trong trường hợp này là chi phí vận tải quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam do các hãng tàu nước ngoài cung cấp) với điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện giao dịch với các đại lý hãng vận tải nước ngoài tại Việt Nam hoàn toàn bằng đồng ngoại tệ, tức là ký hợp đồng, xuất hóa đơn tài chính và thanh toán bằng ngoại tệ.



“Thay đổi này của Bộ Thương mại Mỹ, nếu được áp dụng, sẽ làm tăng mức chống phá giá, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và đặt doanh nghiệp tôm Việt Nam vào vị thế khó khăn và trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nước khác và thị trường đang ngày càng có nhiều rủi ro, bất lợi. Hơn nữa, việc tăng thuế cũng sẽ làm cho doanh nghiệp không còn được hưởng các lợi ích từ Hiệp định TPP đang được chuẩn bị ký kết”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch MPC cho biết.



Bình luận về đề xuất này, giới chuyên gia tài chính cho rằng, để phòng vệ đối với việc chống phá giá, doanh nghiệp đang thực hiện tất cả các giải pháp để phòng, chống và khắc phục rủi ro này, trong đó có việc đề phòng về thay đổi chính sách của Chính phủ Mỹ liên quan đến việc bảo hộ cho các doanh nghiệp nông nghiệp ở Mỹ.



Trong công văn của MPC cũng đã trình bày rõ lý do xin phép Chính phủ Việt Nam cho phép thanh toán cước vận tải bằng ngoại tệ để đối phó với việc Chính phủ Mỹ có thể áp dụng tất cả các giải pháp để tăng rào cản.



Nếu cước vận tải thanh toán bằng đồng Việt Nam thì với sự lên giá của đồng USD, chắc chắn giá thành tôm sẽ rẻ hơn, khi quy đổi sẽ có lợi cho việc quy kết bán phá giá và bất lợi sẽ thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp nên được ủng hộ theo đề nghị.










Theo stockbiz.vn