Chính sách điều hành giá của VN có vấn đề. Giá xăng dầu hạch toán vào chi phí đầu vào, nâng giá hàng hoá, bất lợi cho DN, người dân.



Nếu tự tin tính đúng sao không minh bạch?



Thông tin giá xăng dầu trong nước vẫn tăng mạnh bất chấp giá nhập khẩu giảm tới gần 40% do Tổng cục Thống kê vừa đưa ra khiến dư luận xôn xao. Theo đó, trong quý II/2015, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng 3 lần, từ hơn 16.000 đồng/lít lên gần 21.000 đồng/lít xăng RON 92. Trong khi đó, chỉ số giá mặt hàng xăng dầu nhập khẩu trong cùng thời gian trên giảm tới 37,84%.



Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước tăng lên rất mạnh do giá cơ sở tăng lên.



Nhìn nhận thông tin này, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, con số Tổng cục Thống kê đưa ra đã phản ánh đúng tình hình của giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước. Vấn đề ở đây là chính sách điều hành về giá của Việt Nam.



Theo đó, Bộ Tài chính sau khi giảm thuế nhập khẩu xăng dầu đã có đề nghị và được Quốc hội chấp thuận nâng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên 300%. Vì vậy, gần đây trong khi giá dầu thế giới giảm và ngày 30/6 tiếp tục giảm rất mạnh do cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp thì giá xăng tại Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay.



Ông Doanh cũng chỉ ra điểm vô lý khi đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng. Chính Bộ trưởng Bộ Công thương đã phân tích và thừa nhận thuế bảo vệ môi trường tác động khiến giá xăng tăng thêm 162 đồng/lít.



'Tại sao nâng thuế bảo vệ môi trường 300% mà nói là không ảnh hưởng đến giá xăng? Không ảnh hưởng là theo nghĩa nó duy trì mức thuế tương đương như mức thuế nhập khẩu trước đây, tức là không thay đổi gì cả, nhưng trong thực tế là giá xăng tăng lên. Câu phát biểu của đại diện Bộ Tài chính hoàn toàn không phù hợp với thị trường', ông nói.



Vị chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, việc giá xăng tăng mạnh là điều rất bất lợi đối với doanh nghiệp và người dân Việt Nam vì giá xăng dầu sẽ hạch toán vào chi phí đầu vào, nâng giá thành của các sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam. Nếu từ 1/1/2016 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thực thi, hàng hoá của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hoá của các nước ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%. Nếu giá xăng của Việt Nam cao hơn giá xăng của các nước khác quá nhiều thì lúc bấy giờ hàng hoá Việt Nam sẽ rất khó có thể cạnh tranh được.



'Cần sớm có các quy định để có chính sách về giá xăng dầu một cách phù hợp sau khi AEC có hiệu lực từ 1/1/2016', TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.



Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) lại chỉ ra rằng, các loại thuế, phí được phát hành đều dựa trên giá cả, giá cả gốc (giá nhập khẩu) sẽ quyết định các loại thuế, phí đó. Căn cứ vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu, việc tăng giá xăng dầu chủ yếu xuất phát từ giá trị thương mại, tức giá mua bán và chi phí vận chuyển chứ không liên quan đến trách nhiệm đối với Nhà nước vì công thức tính thuế không thay đổi.



'Vấn đề nằm ở chỗ giá gốc của xăng dầu như thế nào, nhưng ở Việt Nam nó hoàn toàn không minh bạch', ông nói.



Cụ thể, ông Sơn phân tích, theo công thức tính giá cơ sở xăng dầu được quy định tại Nghị định 83/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, giá CIF tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định. Việt Nam đã chọn giá thành phẩm các sản phẩm xăng dầu tại thị trường Singapore làm căn cứ tính, thế nhưng 15 ngày nói trên là 15 ngày nào lại không được doanh nghiệp xăng dầu minh bạch.



'Người dân cứ luôn đặt câu hỏi: Tại sao giá xăng dầu tăng? Các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp xăng dầu nói chỉ số trên thị trường xăng dầu tăng nên giá trong nước tăng nhưng cần phải làm rõ cái tăng ấy là ở thời điểm cụ thể nào. Nó có thể tăng ở ngày thứ nhất, ngày thứ hai... nhưng chưa chắc 15 ngày cộng vào đã tăng. Bởi thế, phải công bố cụ thể đã lấy ngày nào làm giá cơ sở, giá thành ra sao... Những điều này quá đơn giản để tính, tại sao lại phải giấu? Nếu doanh nghiệp tự tin tính đúng, tại sao không minh bạch?', ông Sơn liên tiếp đặt câu hỏi.



Nhìn ra nhiều quốc gia khác, TS Nguyễn Ngọc Sơn nhận xét, dù giá xăng thế giới tăng nhưng người dân các nước vẫn không hề ca thán. Đó là vì người ta đã công khai và người dân chỉ cần hạn chế đi lại, tiết kiệm chi tiêu mỗi khi giá xăng tăng. Họ tự chịu trách nhiệm về diễn biến của thị trường, không đổ trách nhiệm cho Nhà nước.










Theo stockbiz.vn