Thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát, nguyên liệu để sản xuất xăng sinh học E5 vừa được điều chỉnh tăng lên 5% nhưng vẫn có thể sẽ điều chỉnh nữa nếu cần thiết, theo thông tin từ Bộ Tài chính.



Trong thông tin gửi các cơ quan báo chí ngày hôm nay, 29-6, Bộ Tài chính cho biết, sở dĩ có việc này là thời gian gần đây Bộ có nhận được công văn kiến nghị của một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi áp dụng mức thuế suất 5%.



Bộ Tài chính không nói rõ chính xác các kiến nghị này là gì nhưng theo thông tin được đăng tải trên báo chí trong thời gian qua thì các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản khi áp mức thuế suất này.



Nguyên nhân là các doanh nghiệp đã mua hàng từ tháng 4 (tương đồng với thời kỳ thu hoạch), thực hiện lưu kho và bảo quản với chi phí cao. Tăng thuế đồng nghĩa với việc đẩy giá xuất khẩu càng tăng thêm. Trong khi đó, khách hàng, chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc, lại không đồng ý tăng giá. Chính vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị lùi thời hạn áp dụng mức thuế suất này đến mùa sau.



Trở lại với thông báo của Bộ Tài chính, bộ này cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng họp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các hiệp hội đồng thời làm việc trực tiếp, ghi nhận tình hình tại một số địa phương. Trên cơ sở này, bộ sẽ đánh giá và rà soát lại thuế suất thuế xuất khẩu đối với sắn lát để có điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết.



Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là điều chỉnh thuế xuất khẩu sắn lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng xăng E5 trong nước. Trước khi điều chỉnh, bộ này đã xin ý kiến 6 bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ); 2 hiệp hội (Hiệp hội Sắn Việt Nam, Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam) và 15 tỉnh có diện tích trồng sắn lớn (Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương) về dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất của mặt hàng sắn lát (thời điểm đó là 0%).



Bộ Tài chính sau đó nhận được phản hồi của 12 đơn vị, trong đó, có 10 ý kiến đồng thuận tăng thuế lên 5%; 1 ý kiến đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu lên 10% và 1 ý kiến giữ nguyên mức 0%.



Cuối cùng, ngày 6-5-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2015/TT-BTC quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng sắn lát. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ 20-6.



M.Tâm










Theo stockbiz.vn