NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt để thúc đẩy sản xuất



Với mức tăng 0,35% so với tháng trước, mạnh nhất từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2015 đã góp phần đẩy CPI 6 tháng đầu năm lên mức tăng 0,55% so với cuối năm 2014. Kết quả này vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo hôm 24/6. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý thêm, khi so sánh CPI 6 tháng đầu năm so với cuối năm trước thì 2015 là năm có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.



Trước câu hỏi CPI tăng thấp kỷ lục như vậy có phải do cầu nền kinh tế còn yếu, ông Lâm khẳng định đó không phải nguyên nhân. Ông giải thích, qua phân tích số liệu có thể thấy tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay so với 6 tháng đầu năm của các năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá vẫn tăng khá. Cụ thể, ước 6 tháng đầu năm 2015 tăng 8,5%, trong khi đó các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt tăng là 4,69%, 4,9%, và 5,69%. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng năm sau vẫn tăng cao hơn năm trước.



“Nói CPI tăng thấp do sức mua yếu thì không phải. Đây hoàn toàn là do điều hành của Chính phủ đã phù hợp với các tín hiệu của thị trường”, ông Lâm nói. Cụ thể, điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại TP. Hồ Chí Minh góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,04%; tăng giá điện từ ngày 16/3 góp khoảng 0,22%. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho lao động tại DN và tăng lương cơ bản cho một số đối tượng nghỉ hưu và công chức...



Ngoài ra còn một số yếu tố thị trường như tháng 1 và tháng 2 là Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng tăng khiến giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá, quần áo may sẵn tăng cao; nhu cầu du lịch tăng khiến chỉ số giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng; vụ hè thu được mùa, lương thực dồi dào làm giá lương thực ổn định; giá các mặt hàng thiết yếu thế giới ổn định, giá gas thế giới giảm làm giá gas trong nước giảm… Riêng mặt hàng xăng dầu, mặc dù có 3 lần tăng giá và 3 lần giảm giá trong 6 tháng đầu năm 2015, nhưng chỉ số giá nhóm này tính tại thời điểm giữa tháng 6/2015 vẫn giảm 5% so với cuối năm 2014, theo Tổng cục Thống kê.



Trước những lo ngại CPI tăng thấp có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, Tổng cục Thống kê trấn an, mức giá tăng như thời gian qua là dấu hiệu tốt cho quản lý điều hành nền kinh tế và không ảnh hưởng đến tăng trưởng. “Với toàn bộ nền kinh tế thì mức tăng CPI là phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, nên không ảnh hưởng đến các chỉ số chung. Trừ sản xuất nông nghiệp có suy giảm do thời tiết, giá cả, còn lại công nghiệp và dịch vụ đều tăng tốt”, ông Lâm khẳng định.



Tổng cục Thống kê cũng lưu ý rằng, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu thời gian qua cho thấy mỗi lần quyết định tăng giá mặt hàng chiến lược nào đều có sự phối hợp tốt giữa các bộ. Đầu năm nay, Bộ Y tế có kế hoạch tăng giá dịch vụ y tế, thì đã có trao đổi giữa các bộ. Nên sắp tới tăng giá các dịch vụ thiết yếu thì đều có sự tính toán, lên phương án phù hợp, cân đối tác động với từng trường hợp và đưa ra phương án phù hợp nhất.



Đánh giá về tác động của chính sách tiền tệ lên lạm phát, ông Lâm phân tích, việc lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước là cao hơn CPI. Tương quan này cho thấy, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ khá linh hoạt để thúc đẩy sản xuất, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.



Liên quan đến việc điều chỉnh tỷ giá 2% trong 6 tháng đầu năm, ông Lâm cho biết, hành động này mặc dù tác động đến mức tăng chung của CPI năm 2015 khoảng 0,6%, nhưng nó cho thấy sự điều hành linh hoạt, theo tín hiệu thị trường của NHNN, đồng thời không làm ảnh hưởng đến lợi thế thương mại của Việt Nam. “Tỷ giá thương mại (yếu tố phản ánh mối quan hệ tỷ lệ giữa giá hàng xuất khẩu với giá hàng nhập khẩu của quốc gia trong một thời kỳ nhất định) vẫn được cải thiện, giá xuất khẩu đang có lợi tương đối so với giá nhập khẩu”, ông Lâm nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng.



Ngọc Khanh










Theo stockbiz.vn