Câu chuyện một số DN dệt may nhận được đơn hàng sản xuất đồng phục quân đội nước ngoài bị mất hợp đồng trị giá 2 tỷ USD chỉ vì cơ chế cứng nhắc những ngày qua đang khiến dư luận rất quan tâm.



Sự việc này trở nên “nóng” hơn khi gần đây, Hiệp hội Dệt May VN (Vitas) chính thức nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của Cty CP May Hòa Bình việc DN này nhận sản xuất đồng phục Công an “Tasmania Police” của Australia – đề nghị gỡ khó trong việc sản xuất quân trang, quân phục cho quân đội nước ngoài… Điều đáng nói là những hợp đồng này gặp khó không phải từ phía đối tác mà do cơ chế có phần cứng nhắc của các Bộ, ngành trong nước…



Rào cản từ trong nước



Thực ra câu chuyện của DN may Hòa Bình chỉ là một trong nhiều DN nhận các đơn hàng may mặc quân phục cho quân đội nước ngoài đang găp phải những “rào cản” cơ chế khiến cho cơ hội của DN bị mất ngay trước mặt mà không làm gì được. Cụ thể là quy định của Bộ Quốc phòng căn cứ vào Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9/5/2006, cấm nhập khẩu mặt hàng quân trang, quân dụng. Hàng mẫu của đối tác gửi vào cho các DN sản xuất bị xem là hàng quân trang nhập khẩu, thế là bị ách.



Điều đáng nói là xét cho cùng, các mặt hàng quân trang, quân phục này cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng dệt may mà các DNVN vẫn đang làm gia công cho các đối tác. Thậm chí trên thị trường cũng có rất nhiều các mặt hàng dệt may có mẫu mã theo kiểu quân đội được bày bán tràn lan nhưng cũng không có cơ quan nào hỏi thăm. Hơn nữa, Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng được ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 12 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, nhưng Bộ Quốc phòng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 187.



Cần cơ chế linh hoạt hơn



Trao đổi với DĐDN xung quanh câu chuyện này, bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN (Vitas) cho biết, hiện tại Vitas đã chính thức làm việc với Cục XNK thuộc Bộ Công Thương và Vụ KH – ĐT thuộc Bộ Quốc Phòng. Theo đó, Vitas cho rằng Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP đã lạc hậu và cho rằng Bộ chỉ cấm XNK đối với quân trang, quân phục của VN, còn đối với quân trang, quân phục của nước ngoài sẽ trở thành loại hàng XNK có điều kiện, và nên giao cho Bộ Công Thương và Bộ này sẽ có trách nhiệm cấp phép, soạn thảo các điều kiện như thế nào? Số lượng bao nhiêu?… Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao mặt hàng quân trang, quân phục lại bị đặt vào danh mục cấm xuất, nhập khẩu?



Bà Dung cho biết, phía Bộ Quốc Phòng cho rằng việc sửa đổi Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP sẽ khó có thể xong sớm bởi trong Quyết định này không chỉ quy định riêng phần quân trang, quân phục mà còn rất nhiều mặt hàng khác, liên quan tới an ninh quốc phòng, dân sự…



Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Quốc phòng trong việc quy định các trường hợp DN Việt Nam nhận sản xuất đồng phục, quân trang cho quân đội nước ngoài, có giấy phép của nước đó thì được phép làm thủ tục hải quan bình thường như các đơn hàng sản xuất-gia công quần áo thông thường khác.



Theo bà Dung, để tránh những trường hợp đáng tiếc như câu chuyện trên, các cơ quan chức năng nên cho các DN dệt may chủ động trong các đơn hàng, hiện các DN thuộc Vitas vẫn đang nhận các đơn hàng nhiều chủng loại khác nhau cho các nước, trong hợp đồng luôn quy định phía đặt hàng sẽ chịu trách nhiệm về những nhãn hiệu mà họ đặt. Có nghĩa rằng, họ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý các nhãn hiệu mà họ đặt. Còn các DN VN chỉ làm gia công đúng theo tinh thần hợp đồng.



Rõ ràng, những cơ chế trên đang “cản đường” cho sự phát triển của DN, thậm chí ngay cả việc quy định những mặt hàng giống quân trang, quân phục không gắn nhãn hiệu gì cũng phải khai báo. Trên thực tế, rất nhiều mặt hàng quân trang, quân phục hiện được bày bán ở đường Lê Duẩn (Hà Nội) nhưng cũng không bị các cơ quan chức năng “hỏi thăm”. Trong khi, các hợp đồng đối tác nước ngoài đặt hàng DN VN lại bị “hỏi thăm” khá kỹ khiến cho DN mất cơ hội lớn. Hơn nữa, một hợp đồng lớn như vậy, chắc chắn các đối tác nước ngoài phải đăng ký bản quyền nhãn hiệu thì mới đặt ở VN. Đành rằng, hiện nay VN đang hội nhập vào kinh tế thế giới, ký kết nhiều Hiệp định và trong các Hiệp định đó đều có ký kết cả vấn đề an ninh nên trong các mặt hàng XK đều phải kèm theo điều kiện để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, cần linh hoạt chứ không nên áp dụng đối với tất cả các mặt hàng, nhất là với mặt hàng dệt may khi đối tác đã đặt hàng các DN VN, các DN VN chỉ làm gia công không phải là nhập khẩu quân trang, quân dụng, còn phần trách nhiệm pháp lý do phía đối tác nước ngoài chịu trách nhiệm.



“Không hiểu tại sao chúng ta lại phải bảo vệ cho nước ngoài trong vấn đề này, trong khi chính họ không lo ngại vì khi đặt sản xuất, họ đều có các cam kết về quyền được quân đội nước nhập khẩu cho phép, mỗi lần gia công lại xin phép như thế này thì DN mất rất nhiều thời gian, thậm chí sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh” – bà Dung trăn trở.



Điều đáng nói là DN Việt Nam nhận được khá nhiều đơn hàng tương tự từ Australia, Italia, Romania… Mỗi đơn hàng như vậy, DN lại phải gửi công văn tới Bộ Công Thương, xin được sản xuất, xuất khẩu mặt hàng đó. Nhưng Bộ Công Thương cũng không có quyền quyết định mà chỉ ghi nhận ý kiến, sau đó phối hợp với Bộ Quốc phòng trả lời DN.



Trước tình trạng này, được biết hiện Bộ Công Thương đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị được giải quyết riêng phần quân trang, quân phục để “gỡ khó” cho các DN Dệt may. “Hiện chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức từ Bộ Công Thương về vấn đề này” – bà Dung chia sẻ.







Anh Đức












Theo stockbiz.vn