6 tháng đầu năm, ôtô nhập khẩu tiếp tục tràn vào Việt Nam với số lượng lớn trong đó phần nhiều là xe tải từ Trung Quốc.



6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tăng cao khiến Việt Nam nhập siêu 3,75 tỷ USD trong nửa đầu năm, bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu, xấp xỉ giới hạn được Quốc hội phê chuẩn là 5%.



Trong đó, vấn đề ôtô nhập khẩu tăng đột biến tiếp tục được nhiều lãnh đạo quan tâm tại cuộc họp giao ban sáng nay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Trần Ngọc Nam - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết ngoài lý do nhập khẩu nguyên vật liệu khiến nhập siêu tăng, cần làm rõ tỷ trọng ôtô nguyên chiếc.



'Ôtô nhập khẩu ở Hà Nội. Tại TP HCM và một số địa phương, riêng năm 2015 nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng 3-4 lần so với năm trước. Bây giờ không phải cấm nhưng cũng phải làm thế nào bởi tiền cứ dành cho nhập khẩu ôtô thì có thể gây chênh lệch giàu nghèo, ảnh hưởng tới môi trường vĩ mô', ông Nam phát biểu.



Lãnh đạo Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay 6 tháng đầu năm, cả nước ước nhập về hơn 56.000 ôtô nguyên chiếc, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu xe dưới 9 chỗ chiếm khoảng một phần ba (18.000 chiếc), còn lại là xe tải, xe khách với kim ngạch 1,2 tỷ USD.



Thị trường nhập khẩu xe tải chính vẫn là Trung Quốc. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 5 tháng đầu năm, lượng xe Trung Quốc đưa về nước đạt 13.400 chiếc, trị giá hơn 516 triệu USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2014.



Đại diện Vụ Kinh tế dịch vụ lý giải bên cạnh nguyên nhân nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước tăng lên, Việt Nam nhập nhiều xe cỡ lớn còn do chính sách kiểm soát chặt trọng tải. 'Nếu trước kia xe tải được chở khối lượng lớn, có thể gấp 2-3 lần trọng lượng thì nay phải san tải ra. Để vận hành tốt, doanh nghiệp cũng phải tăng số lượng đầu xe', vị này nói.



Thực trạng trên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông là một chính sách đã 'vô tình kích cầu cho ông hàng xóm xuất khẩu'. 'Điều này thể hiện các chính sách có liên quan đến nhau. Mỗi lần thay đổi chính sách, cần chuẩn bị để doanh nghiệp lường trước, có được sự cảnh báo tốt hơn', ông Đông nhấn mạnh.



Bên cạnh mặt tốt là ôtô tải nhập về phục vụ luân chuyển hàng hóa, Thứ trưởng Đông cũng đặt vấn đề ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu bởi xe tải hoàn toàn có thể nội địa hóa được vì làm theo mẫu mã chuẩn, không thay đổi nhiều.



Do đó, ông ủng hộ việc cần những chính sách khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ nói chung và ngành ôtô nói riêng. Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ ngoài ưu đãi về tín dụng, đất đai, Chính phủ cần thành lập các quỹ đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hỗ trợ, với mô hình tương tự như quỹ đổi mới khoa học công nghệ, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...



'Việt Nam làm phụ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn, tận dụng được trình độ khoa học kỹ thuật của nước ngoài', ông Toàn nói.



Huyền Thư










Theo stockbiz.vn