Các hãng vận tải biển đang áp 70 loại phụ phí khác nhau với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà theo một đại biểu Quốc hội tình trạng thu vô tội vạ này cũng có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.



Bộ Tài chính vừa gửi Thủ tướng báo cáo kết quả đợt thanh tra phụ phí theo cước vận tải của 19 hãng tàu hoạt động tại Việt Nam. Hiện có 40 hãng tham gia vận tải biển quốc tế tại Việt Nam nhưng đây là 19 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất.



Kết quả thanh tra cho thấy, tại Việt Nam, các hãng tàu có thể thu của doanh nghiệp xuất khẩu tổng cộng gần 70 loại phụ phí, trong đó trung bình mỗi hãng thu khoảng 14, 15 loại. Những khoản này bao gồm phí dịch vụ xếp dỡ container (THC - chiếm gần một nửa tỷ trọng), tiếp đến là phụ phí xăng dầu (chiếm 21%), phí lưu bãi container (6%), phí chứng từ, phí mất cân bằng container, phí vệ sinh, bảo dưỡng, phí kẹp chì... Riêng Công ty Liên doanh Đại lý Vận tải Evergreen, theo Bộ Tài chính, đã thu 47 loại phụ phí.



Đối chiếu số liệu phí dịch vụ xếp dỡ container - phụ phí chiếm tỷ trọng lớn nhất giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đến tháng 5/2015, Bộ Tài chính đánh giá, mức thu của Việt Nam là 87 USD với loại container 20' có hàng và 135 USD với container 40' có hàng, chỉ cao hơn một chút so với Thái Lan và thấp hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực cũng như châu Á. Thế nhưng, thực tế các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lại nộp mức thu phí, phụ phí cho hãng tàu cao hơn gần gấp đôi so với cước cảng biển. Ví dụ, phí xếp dỡ container hãng tàu thu của công ty giao vận hoặc trực tiếp thu của doanh nghiệp trung bình 131,5 USD cho loại container 40' có hàng trong khi phí họ trả cho cảng biển chỉ hơn 69 USD.



Về phần mình, các hãng tàu giải trình thu phí cao do phải trả cho các cảng trung gian liên quan đến xếp dỡ container và các chi phí khác trên cả hành chình tàu. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Bộ Tài chính cho rằng lập luận này của các hãng tàu là chưa có cơ sở. Các hãng tàu thu phí cao, theo Bộ Tài chính gồm Evergreen, Công ty K Line Việt Nam, Công ty Yang Ming Việt Nam, Công ty Wan Hai Việt Nam và China Shipping Việt Nam.



Mức phí xếp dỡ container thông thường (hàng khô) tại các cảng Việt Nam chỉ bằng hơn nửa của 5 hãng tàu (năm 2014)







Loại container

Giá cước trung bình tại cảng Việt Nam

Công ty Evergreen

Công ty KLine VN

Công ty Yang Ming VN

Công ty Wan Hai VN

Công ty China Shipping VN



40' có hàng

69,1

138

125

120

143





20' có hàng

46,1

92

80

85

93

90







Đơn vị: USD. Nguồn: Bộ Tài chính



Bộ Tài chính cũng đánh giá, các hãng tàu chưa minh bạch khi áp dụng mức thu phí. Hiện các doanh nghiệp Việt chủ yếu bị áp đặt mức thu do phần lớn vẫn áp dụng hình thức mua CIF (giá tại cửa khẩu bên nhập, đã gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển tới bên nhập khẩu) nhưng lại bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất, chưa gồm phí bảo hiểm và vận chuyển tới cảng của bên nhập). Vì vậy, đối tác nước ngoài có quyền thuê, chỉ định hãng tàu vận chuyển, giao nhận. Do đó, doanh nghiệp chịu thiệt khi phải chấp nhận các khoản phụ phí theo hãng tàu mà không được đàm phán hay thỏa thuận.



Tại diễn đàn Quốc hội ngày 22/6, khi bàn về Bộ luật Hàng hải, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng tình trạng thu phụ phí vô tội vạ nêu trên có nguyên nhân do sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Rất nhiều trong số 70 loại phụ phí được thu vô lý, không tương xứng với chi phí thực tế mà các hãng tàu phải gánh chịu.



'Thu của doanh nghiệp Việt Nam rất cao nhưng thực trả cho dịch vụ xếp dỡ cảng biển lại ở mức rất thấp, làm tăng chi phí logictics của doanh nghiệp', ông Thường nói. Vị đại biểu này đang là Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội.



Hiện phụ phí theo cước vận tải ở Việt Nam không thuộc mặt hàng bình ổn giá, chưa có sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Ví thế Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan chức năng ban hành quy định về danh mục, quy trình kê khai, đối tượng kê khai với cước vận tải biển và phụ cước vận tải biển vào Luật hàng hải Việt Nam. Trong báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng xem đây là một trong những biện pháp để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thông tin, cơ sở khi đàm phán với đối tác nước ngoài về phí, phụ phí cước.



Thanh Thanh Lan










Theo stockbiz.vn