Tiếp tục có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án điện tại Việt Nam, chứng tỏ sức hấp dẫn rất lớn của ngành này.



Một biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Công ty TNHH One Asian (Thái Lan) ngay tại trụ sở Bộ Năng lượng Thái Lan vào cuối tháng 5/2015.



Theo đó, một khoản đầu tư trị giá 2,4 tỷ USD có thể sẽ được One Asian đổ vào Quảng Trị để xây dựng một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 1.200 MW. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2017 và hoàn tất trong năm 2019.



Đáng nói là, đây mới chỉ là một phần của thỏa thuận. One Asian còn muốn hợp tác với Quảng Trị cùng nghiên cứu, điều tra và đánh giá việc phát triển một khu phức hợp năng lượng tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Khu phức hợp này sẽ được xây dựng theo hướng kết hợp giữa dự án cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và các nhà máy nhiệt điện.



Cũng vì thế, ngoài dự án nhiệt điện nói trên, One Asian còn muốn triển khai các nhà máy điện khí nhằm tận dụng các mỏ khí có trữ lượng lên tới trên 30 tỷ mét khối ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.



Cũng tại Quảng Trị, một nhà đầu tư khác của Thái Lan là EGATI cũng đang xúc tiến việc đầu tư Dự án Nhiệt điện Quảng Trị, quy mô 1.200 MW, vốn đầu tư 2,26 tỷ USD. Giữa năm ngoái, Bộ Công thương và EGATI đã ký kết MOU về việc phát triển dự án điện BOT này, với kế hoạch đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong năm 2021.



Cũng vào cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đã đến khảo sát địa điểm đầu tư Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 tại Nghệ An, trong nỗ lực mở rộng danh mục đầu tư năng lượng của mình tại Việt Nam.



Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập nằm trong quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai), có diện tích quy hoạch 283 ha, quy mô 2.400 MW, gồm 4 tổ máy có công suất 4 x 600 MW. Dự án được đầu tư theo hai giai đoạn: Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (2 x 600 MW) và Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (2 x 600 MW).



Hiện nay, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư cho Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Đối với Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cảng biển, công suất thiết kế… tương tự như Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và hiện chưa có nhà đầu tư. UBND tỉnh Nghệ An đang tiến hành xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án này. Và với quy mô như vậy, dự án này có quy mô vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.



Sự xuất hiện của Posco có thể sẽ mang lại cơ hội hiện thực hóa kế hoạch đầu tư dự án điện BOT này, bởi cùng với các dự án thép mà Posco đã đầu tư tại Việt Nam với quy mô khoảng 2 tỷ USD, tập đoàn này đã cùng với AES (Mỹ) đầu tư khá thành công Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh).



Tiếp sau dự án đó, năm ngoái, Posco cũng đã ký kết MOU với tỉnh Quảng Ninh để triển khai tiếp một dự án BOT nhiệt điện, quy mô 1.200 MW, vốn đầu tư 2 tỷ USD.



Những động thái trên cho thấy, ngành điện Việt Nam đang rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù trong 86 dự án điện trong Quy hoạch Điện VII, chỉ có 18 dự án nhiệt điện được chỉ định dành cho nhà đầu tư nước ngoài, song ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam để đề xuất dự án điện BOT.



Cho đến nay, ngoài các dự án điện BOT đã được cấp phép (Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2, Mông Dương 2, BOT Hải Dương và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1), thì còn hàng loạt dự án BOT ngành điện khác đang “nằm chờ”. Lâu nhất trong số này có thể kể đến Nhiệt điện Vân Phong 1, quy mô 1.200 MW, do Sumitomo (Nhật Bản) đeo đuổi từ năm 2006. Theo kế hoạch, quý III năm nay, Sumitomo sẽ ký hợp đồng BOT triển khai xây dựng Dự án.



Ngoài những dự án trên, có thể nhắc đến Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), mà Samsung C&T vừa ký MOU với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) về việc phát triển dự án. Với quy mô 1.200 MW, dự án này dự kiến đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 1/2022 và vận hành cả nhà máy vào tháng 7/2022.



Chưa kể, Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 của Toyo-Ink (Malaysia), Nghi Sơn 2 của Marubeni (Nhật Bản) và KEPCO (Hàn Quốc), Nhiệt điện Quảng Ngãi của Sembcorp…



Tata Power, công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) không chỉ đeo đuổi Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng), mà còn có tham vọng đầu tư cả 2 dự án điện ở tỉnh này, với quy mô cả hai dự án là 2.400 MW.



Cuộc chạy đua của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện có lẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, câu chuyện nằm ở chỗ, cùng với Quy hoạch Điện VII chưa được thực thi như kỳ vọng, thì các dự án BOT ngành điện cũng thuộc diện khá chậm chạp, với thời gian chuẩn bị quá lâu. Chính phủ mới đây cũng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch Điện VII.



Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ, tổ chức tuần trước tại Hà Nội, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của VBF một lần nữa bày tỏ mối quan ngại về các thủ tục rườm rà trong triển khai dự án BOT ngành điện, bao gồm cả các quy định chuyển tiếp liên quan đến thực hiện Nghị định về mô hình hợp tác công - tư (PPP).



“Khi cơ chế BOT hiện tại được xóa bỏ, sẽ có nhiều áp lực đối với cơ chế PPP chưa được kiểm chứng”, đại diện Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng phát biểu.



Nguyên Đức










Theo stockbiz.vn