Nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được ký kết sẽ đem tới hàng loạt thách thức đối với ngành công nghiệp thép của Việt Nam, đòi hỏi các DN ngành thép phải thực sự nỗ lực nếu không muốn bị quật ngã.



Lối thoát?



Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu là hai FTA mới nhất vừa được ký kết. Với cả hai FTA này, nhóm phải chịu sức ép khi mở cửa trước tiên là nhóm các sản phẩm sắt thép.



Cùng với những khó khăn hiện tại, những thách thức mà các FTA mang lại giống như những cơn bão được dự báo sẽ có sức công phá lớn. Các DN khi được hỏi đều cho rằng, các sản phẩm thép có tính cạnh tranh khác nhau, vì thế ảnh hưởng của các FTA đến từng dòng sản phẩm cũng sẽ khác nhau. Tôn mạ, tôn mạ màu, thép ống có tính cạnh tranh cao, trong khi thép xây dựng ở chiều ngược lại, vì thế thép xây dựng sẽ là sản phẩm bị ảnh hưởng lớn. Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty NS BlueScopesteel Việt Nam cho rằng, ngành thép mạ nói riêng sẽ không chịu tác động lớn hơn nhiều so với hiện tại về mặt phải ứng phó với thép mạ NK sau khi những FTA mới được ký kết, vì hiện nay đã phải đối diện với lượng hàng NK khổng lồ từ Trung Quốc với thuế suất thấp hoặc bằng 0%. Khó khăn ở thị trường trong nước, nhưng ở hướng XK, ông Phong nhận định các DN thép mạ sẽ có nhiều lợi thế khi các FTA mới có hiệu lực vì sẽ tận dụng tối đa công suất nhà máy. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội này, các DN XK cần phải sẵn sàng cho các vụ kiện chống bán phá giá hoặc phòng vệ thương mại từ các quốc gia trong FTA mới này.



Chia sẻ về những khó khăn của DN trong giai đoạn hiện nay, bà Ninh Thị Bích Thùy, Tổng giám đốc Công ty thép TVP cho biết việc vừa phải tự chống chọi với thép Trung Quốc NK giá rẻ, lại vừa phải đối mặt thách thức từ các FTA khiến DN thép nói chung rất nản, cảm giác gần như không có lối thoát. Để giải quyết khó khăn của DN ở thị trường trong nước, bà Thùy cho biết hiện DN phải “cố gắng tự bươn chải, tìm cách mở rộng XK để duy trì doanh số, bởi nếu doanh số giảm hoặc DN bị lỗ thì ngân hàng sẽ không cho vay nữa hoặc sẽ thu hồi nợ, như vậy DN sẽ chết”. Hiện nay sản phẩm của DN đang XK đến khoảng 20 nước như Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan..., người dân các nước này vẫn tin tưởng hàng Việt Nam hơn hàng Trung Quốc do chất lượng tốt.



Cần thêm những DN đủ lớn



Khó khăn là điều không tránh khỏi, song chất lượng sản phẩm và uy tín sẽ là yếu tố quyết định cho DN vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.



Chia sẻ về hướng đi của DN để tồn tại, phát triển trong điều kiện hội nhập sâu vào các FTA, đại diện BlueScopesteel Việt Nam cũng cho biết DN từ trước đến nay vốn vẫn tập trung vào thị trường nội địa và phân khúc chất lượng cao nên đã phát triển thương hiệu và chất lượng các dòng sản phẩm phù hợp từ dân dụng cho đến công nghiệp. Tới đây, DN vẫn duy trì chiến lược xây dựng chất lượng và thương hiệu, đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Về vấn đề này, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho rằng tất cả các FTA đều có khó khăn và thách thức, vì vậy DN cần “làm tốt hơn nữa để không “chết” khi hội nhập”. Theo đó, DN nào làm chưa tốt thì phải làm tốt lên, DN nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa (về chi phí, giá thành, quản trị sản xuất...). Thừa nhận sẽ khó khăn ở thị trường trong nước, song đại diện TVP cũng cho biết hiện một số công trình lớn, công trình trọng điểm quốc gia vẫn dùng sản phẩm của TVP, do sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao.



Các FTA có tác động hai mặt, một mặt giúp DN nội địa mở rộng thị trường, mặt khác các DN phải đối phó với sản phẩm các nước tràn vào. Xuất phát từ điều này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng để XK một cách hiệu quả, DN cần tìm hiểu kỹ càng quy định, lộ trình cắt giảm thuế quan, luật lệ của các nước để có ứng phó phù hợp, vừa để NK được vào các nước vừa tránh được những vụ kiện gây phiền phức, tốn kém.



Tại thị trường nội địa, để ứng phó, DN cần duy trì sản xuất, kinh doanh bằng cách nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm qua những chỉ tiêu tổng hợp như chất lượng, giá cả, đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng...



Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho rằng điểm yếu của DN thép Việt Nam là quy mô DN đa phần rất nhỏ, điều này dẫn đến năng lực công nghệ, năng lực tài chính của DN kém, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Vì thế, giải pháp căn cơ là ngành thép Việt Nam phải xây dựng những DN đủ lớn với quy mô 2-3 triệu tấn năm, với quy mô này DN mới có thể có khả năng tài chính, công nghệ để đối chọi với sản phẩm của các nước tràn vào.



Hoài Anh












Theo stockbiz.vn