Sự yếu kém và thiếu trung thực trong làm việc và báo cáo đã dẫn tới những hậu quả...



Chính phủ đã chỉ đạo Quảng Nam thu thuế của 2 công ty vàng thuộc Tập đoàn Besra nhưng tới nay Quảng Nam vẫn loanh quanh chưa báo cáo.



PGS-TS Nguyễn Hồng Nga - Khoa Kinh tế Luật - ĐH. Kinh tế.TPHCM nói thẳng: Việc các DN FDI qua mặt được các cơ quan chức năng là đã được báo trước khi pháp luật của ta còn chưa hoàn thiện và nhất là trình độ của cán bộ chưa theo kịp sự phát triển và mở rộng của các công ty đa quốc gia.



'Sự yếu kém và thiếu trung thực trong làm việc và báo cáo đã dẫn tới những hậu quả mà chúng ta phải chịu do những tác trách và thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước'.



Theo vị chuyên gia này, việc các DN FDI đi trước chúng ta nhiều bước là điều dễ hiểu vì họ đã có kinh nghiệm đầu tư nhiều năm ở nước ngoài và có một đội ngũ tư vấn pháp luật thành thạo các qui định của nước sở tại.



Nhưng sự chây lì nộp thuế là do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan và chủ quan. Khách quan là do cơ quan thuế không làm quyết liệt trong quá trình thu thuế. Luật thuế cho phép trì hoãn thuế trong 1 số trường hợp nên các DN lợi dụng khe hở thể chế để lách luật. Về phía DN, do khó khăn về mặt tài chính, trong đó có tính thanh khoản của dòng tiền, nên DN chưa thể nộp thuế theo đúng thời hạn và yêu cầu của cơ quan thuế vụ.



Mua bán nợ: có lợi ích nhóm?



PGS.TS Nguyễn Hồng Nga nói rõ, nếu Quảng Nam có quyết liệt cưỡng chế, tước giấy phép, thu hồi tài sản thì đống sắt vụn đó bán đi được đồng nào hay đồng đó, chứ công ty không có tài sản thế chấp và tuyên bố phá sản thì mình thua.



'Các khoản nợ đó coi như là bài học cho các cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác. Khoản nợ này là nợ công nên khó nói ai sẽ là người trực tiếp chịu trách nhiệm, nhưng sẽ phải có ai đó gánh trách nhiệm trong việc thất thoát thuế này. Đầu tiên là cơ quan thuế của tỉnh', ông nói.



Tuy nhiên, lãnh đạo QN nói trong quá trình cấp phép vấn đề nợ đọng, trốn thuế không thể lường trước được là trốn tránh trách nhiệm và biểu hiện trình độ yếu kém không theo kịp phát triển kinh tế của các cơ quan quản lý nhà nước tại QN. Cho phép được thì phải quản lý được và không đùn đẩy trách nhiệm.



Trước thông tin cho biết, Quảng Nam cho phép Ngân hàng Việt Á mua lại hai công ty này đồng thời Việt Á sẽ phải có trách nhiệm trả nợ cho địa phương.



Vị chuyên gia nghi ngại có vấn đề lợi ích nhóm. 'Việc lãnh đạo Quảng Nam nói như vậy là né tránh trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước với DN FDI có số vốn hàng trăm triệu USD. Dĩ nhiên nếu 1 DN nhảy vào mua công ty thì đồng nghĩa nó sẽ chịu các trách nhiệm về các khoản nợ của DN được mua. Nhưng nếu DN này có tương lai tốt thì đã không “bỏ của chạy lấy người” như vậy. Do vậy Quảng Nam nói có ngân hàng Việt Á mua lại 2 công ty kia là không khả thi và thiếu trách nhiệm, trừ trường hợp Việt Á bị ép mua và sẽ được “lại quả” một dự án béo bở khác để bù lỗ cho giao dịch “bất thường” là mua lại 2 DN nợ nần này', ông Nga lo lắng.



Ông Nga cho biết thêm, việc đảm bảo thu hồi khoản nợ thuế khi DN trên bờ vực phá sản là rất khó. Đây là bài học kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chống thất thu thuế đối với DN FDI.



Theo đó, ông đề xuất cần có một quỹ đảm bảo từ DN FDI, nhất là khi nợ nần thuế kéo dài và với số tiền lớn. Lần nữa đây là tiếng chuông báo động cho các hoạt động không minh bạch của các DN FDI và cảnh báo về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thuế.



Mới đây, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết đang hoàn chỉnh báo cáo để tỉnh báo cáo lên Thủ tướng vụ Tập đoàn Besra Việt Nam nợ hơn 352 tỷ đồng tiền thuế.



Lãnh đạo Quảng Nam đưa ra rất nhiều lý do như, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; do kẽ hở pháp lý; do cấp phép không lường trước được...



Vũ Lan










Theo stockbiz.vn