Xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang bị cạnh tranh trực tiếp về giá từ các quốc gia có sản lượng xi măng lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… khiến sản lượng sụt giảm mạnh.



Xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam đã “tuột dốc” thê thảm trong 5 tháng đầu năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xi măng, clinker 5 tháng qua đạt khoảng 5,8 triệu tấn, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2014.



Sự đi xuống thấy rõ trong kim ngạch xuất khẩu xi măng đang khiến cho các doanh nghiệp hết sức lo ngại, bởi nếu không được cải thiện trong những tháng tới, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành trong năm 2015.



Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, xuất nhập khẩu Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết: “Năm 2015, xuất khẩu xi măng, clinker sẽ khó mà duy trì được kết quả đã có của năm 2014”.



Theo ông Đạt, thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang gặp khá nhiều thách thức như nguồn cung tăng mạnh và cạnh tranh giữa các nhà cung cấp nội địa để có khách hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đó không quan ngại bằng nhu cầu tiêu dùng xi măng từ các thị trường nhập khẩu chưa có dấu hiệu tăng, trong khi đó, nguồn cung xi măng của các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc… vẫn tiếp tục gia tăng.



Theo ông Đạt, đối thủ lớn nhất của xi măng Việt Nam chính là xi măng Trung Quốc. Với tổng sản lượng lên tới 2,5 tỷ tấn, chiếm 60% sản lượng xi măng toàn cầu, lại ở ngay sát Việt Nam, sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh để giữ khách hàng, chứ chưa nói đến việc có thêm được khách hàng.



Một trong những yếu tố giữ chân khách hàng và có được khách hàng mới là giá cạnh tranh. Trong thời điểm này, các nhà xuất khẩu xi măng trong nước đang chịu sức ép lớn về giá cả do xi măng Trung Quốc bán với giá thấp kỷ lục.



Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá đàm phán xuất khẩu clinker trung bình của Việt Nam khoảng 38-39 USD/tấn, thế nhưng, từ đầu năm 2015 đến nay, không ít đối tác của Việt Nam đã chuyển sang Trung Quốc đặt hàng, do giá clinker tại đây chỉ khoảng 31 USD/tấn.



“Chúng tôi đã chấp nhận hạ giá bằng với họ để giữ được khách hàng truyền thống của mình mà không giữ nổi, đối tác đã chuyển sang Trung Quốc đặt hàng”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu xi măng phía Bắc cho hay.



Cần phải nói thêm, năm 2014, tổng sản lượng xi măng của toàn thế giới là 4,18 tỷ tấn, thì sản lượng xi măng của Trung Quốc đã chiếm tới 60%. Trong thời gian rất ngắn tới, Trung Quốc sẽ gây ra một cơn lũ xi măng xuất khẩu giá rẻ. Với lợi thế về sản lượng quá lớn, xét về chi phí sản xuất và lợi thế giá cả, vận chuyển… xi măng Việt Nam không thể cạnh tranh nổi.



Tại Hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững” do Bộ Công thương và Bộ Xây dựng tổ chức gần đây, đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận, dù sản lượng xi măng xuất khẩu đang gia tăng mạnh trong vài năm qua, nhưng còn manh mún và tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững.



Doanh nghiệp xuất khẩu xi măng còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp, chưa khai thác được tận gốc thị trường xuất khẩu mà phụ thuộc vào trung gian, rủi ro lớn vì bị ép giá và cả khâu thanh toán. Ngành xi măng hiện có 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, nhưng xuất khẩu chủ yếu qua 3 doanh nghiệp chính là Biroute, Holcim và HC Trading.



Theo Báo cáo phân tích về ngành xi măng Việt Nam của Công ty cổ phần StoxPlus, ngành xi măng Việt Nam còn thiếu chiến lược xuất khẩu dài hạn. Cho tới nay, hầu hết các công ty xi măng của Việt Nam chưa tạo cho mình các hợp đồng xuất khẩu dài hạn mang lại mức doanh thu tốt.



“Nếu không có những tín hiệu cải thiện, xuất khẩu của ngành xi măng trong năm 2015 sẽ sụt giảm từ 4-5 triệu tấn so với năm 2014”, StoxPlus khuyến cáo.



Thế Hải












Theo stockbiz.vn