Sản xuất nông nghiệp quá dễ dãi về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nợ xấu có thực sự được xử lý là hai vấn đề thu hút sự quan tâm tại diễn đàn “Chuyên gia tri thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam” do Ban Kinh tế T.Ư và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức ngày 7.6 tại Hà Nội.



“80% thị phần hạt giống trong tay các Cty đa quốc gia”




Đó là nhận định của GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT - Australia) về thị trường nông nghiệp VN. Con số này chỉ rõ những thách thức mà VN đang phải đối mặt về vấn đề an ninh lương thực. Cũng theo GS Vọng, hiện này thị trường nhập khẩu nông sản chủ yếu của VN vẫn là Trung Quốc (TQ). Đây là thị trường không coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh nên gián tiếp khiến nông dân VN trở nên dễ dãi trong quá trình canh tác. Điều này tạo nên một hệ lụy luẩn quẩn, nếu không xuất đi TQ, nông sản VN không thể xuất khẩu đi nước nào khác. Bên cạnh đó, VN chỉ mới phát triển tốt một vài khâu, chưa hình thành một chuỗi ngành hàng xuyên suốt, đồng bộ nên nông sản VN không an toàn, không có chất lượng cao và xuất khẩu toàn mặt hàng thô.



Sắp tới, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức có hiệu lực, bắt đầu cắt giảm và xóa bỏ sâu các dòng thuế. Khi đó, VN có cơ hội xuất khẩu rất lớn vào trị trường 600 triệu dân của các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, phần lớn các DN xuất khẩu nông sản VN đều hướng tới sản phẩm thô, bản thân DN lại không chủ động được thị trường. Các dòng thuế quan được gỡ bỏ là lực đẩy khiến nhiều sản phẩm của VN có thể vươn xa, nhưng đồng thời cũng là lực hút đối với nông sản nước ngoài. Đây là thách thức lớn mà nước ta phải đối mặt khi quyết định mở rộng thị trường. Do đó, để tạo nên bước chuyển biến lớn, nông nghiệp VN cần mạnh dạn áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao và nông nghiệp.



Xảo thuật che giấu nợ xấu



“Hệ thống ngân hàng (NH) ở VN đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất ổn lớn, dẫn tới quốc hữu hóa VNCB và Ocean Bank trong thời gian qua” - TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng Mỹ - nhận định. Ông Hiếu nói: “Tôi dùng từ “quốc hữu hóa” chắc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thích. Nhưng về bản chất đó là hình thức quốc hữu hóa khi ngân hàng trung ương (NHTƯ) mua toàn bộ cổ phần của ngân hàng thương mại (NHTM) với toàn bộ vốn nhà nước. Nếu hệ thống NH ổn định thì vì sao NHNN phải ôm hai cục nợ đó?”. Điều mà chuyên gia này tỏ ra ngạc nhiên là vì sao hệ thống NH tại VN lại để cho trường hợp Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) “be bét” đến mức âm vốn chủ sở hữu. Theo ông Hiếu, tại Mỹ, các NH bắt buộc phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 8%. Nếu số vốn này của NH tụt xuống mức 5 - 8%, NHTƯ đã lập tức đưa ra cảnh báo. Nếu vốn chủ sở hữu chỉ còn khoảng 3%, NH đó xác định sẽ bị đóng cửa bất kỳ lúc nào. Phá sản là điều đã xảy ra với hàng trăm NH ở Mỹ. Vậy sao NHNN Việt Nam để cho VNCB và Ocean Bank hoạt động tới mức âm vốn rồi mới xử lý? Thậm chí, NHNN cho rằng sẽ còn vài NH yếu kém nữa sẽ mua lại với giá 0 đồng. Đồng quan điểm, GS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư - đặt câu hỏi: “Liệu quốc hữu hóa NH có tốt không? Nếu NH nào “chết” thì “chết” luôn. Tư nhân quản lý còn không thu hồi được nợ xấu thì liệu Nhà nước quản lý có tốt hơn không?”.



Trên sổ sách, nợ xấu VN hiện khoảng 3,59%. Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, “con số đẹp” đó là chưa hề tính tới món nợ 150 nghìn tỉ đồng đã bán cho Cty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC). Chưa kể tới nợ xấu hiện tại mà các NH đang cố che giấu không công bố. TS Hiếu cho biết: “Tôi đã thấy những xảo thuật, kỹ thuật mà các NH hiện đang che giấu nợ xấu. Các cổ đông cũng không thích công bố nợ xấu vì điều đó đồng nghĩa với cổ tức giảm. Nếu không ai muốn đưa ra con số nợ xấu chính xác thì vấn đề xử lý nợ xấu chỉ nằm ở mức độ “cưỡi ngựa xem hoa””. Một số chuyên gia Việt kiều cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu cần đi vào thực chất. Nếu các lãnh đạo NH và cổ đông chỉ hài lòng với thành quả xử lý nợ xấu còn 3% mà không cộng nợ của VAMC thì việc xử lý nợ xấu cũng chỉ là hình thức làm đẹp sổ sách.



Lan Hương - Khánh Linh










Theo stockbiz.vn