Sau mấy năm tăng trưởng chậm lại, từ giữa năm 2014, công nghiệp đã tăng trưởng cao trở lại và trong 5 tháng đầu năm 2015, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao hơn, tiến tới phục hồi, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế.



Tốc độ tăng IIP của toàn ngành trong 5 tháng đầu năm đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (9,2% so với 5,7%). Trong đó, sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất (10,9%), công nghiệp chế biến - chế tạo tăng trưởng cao thứ hai (9,9%). Công nghiệp khai khoáng tuy gặp khó khăn về tiêu thụ do giá xuất khẩu giảm mạnh, nhưng lượng sản phẩm khai thác tăng khá hơn, nên tính chung, ngành này vẫn tăng khá.



IPP tăng khá cao tại một số địa bàn, như Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam… Trong khi đó, khâu tiêu thụ của công nghiệp chế biến - chế tạo nói riêng và của toàn ngành công nghiệp nói chung đã được cải thiện một bước quan trọng. Tốc độ tăng tiêu thụ cao hơn tốc độ tăng của sản xuất (4 tháng tương ứng tăng 12,8% so với 9,4%)... IIP tăng khá cao trong 5 tháng đầu năm 2015 do nhiều yếu tố.



Về yếu tố đầu vào, trong quý I/2015, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ khá so với GDP và tăng ở cả 3 nguồn. Tính chung 5 tháng, nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước so với cùng kỳ năm trước tăng 5,4%, đạt 35,2% kế hoạch năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tiếp tục tập trung vào công nghiệp chế biến - chế tạo (76%) và vốn thực hiện tiếp tục tăng (7,6%). Chi phí đầu vào tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm, khi giá nhập khẩu 3 tháng năm nay giảm (2,61%) so với cùng kỳ năm trước và tính chung giảm trong 5 tháng. Giá nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện để lượng nhập khẩu tăng khá để vừa tranh thủ khi giá nhập khẩu giảm, vừa đón cơ hội phục hồi tăng trưởng.



Về yếu tố đầu ra, công nghiệp chế biến - chế tạo có chỉ số tiêu thụ tăng khá, trong khi chỉ số tồn kho tiếp tục chậm lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng năm nay đã tăng cao trở lại.



Cũng ở đầu ra, không chỉ có dấu hiệu tăng cao trở lại của tổng cầu, của tiêu thụ trong nước, mà còn thể hiện ở xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước tăng 8,7%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm khoảng 6%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp tăng khá cao, như hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, dệt may, giày dép, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, kim loại thường khác và sản phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dây điện và dây cáp điện...



Mặc dù công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá trong 5 tháng đầu năm, song ngành này còn nhiều bất cập như hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Đó cũng là những thách thức lớn trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày một sâu, rộng, với trình độ cao hơn.



Ngoài 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống, Việt Nam vừa ký kết các FTA thế hệ mới, như FTA với Hàn Quốc (VKFTA), FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga- Belarus - Kazakhstan - Kirgyzstan - Armenia) và kỳ vọng ký kết FTA với Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015. Bên cạnh đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ ra đời vào cuối năm nay. Những sự kiện đó tạo ra cơ hội lớn cho sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, nhưng cũng gây ra cho Việt Nam không ít thách thức. Nếu không nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thì hàng hóa Việt Nam sẽ dễ “thua trên sân nhà”.



Minh Nhung










Theo stockbiz.vn