Dự án nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (CNS) làm chủ đầu tư, vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương.



Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa dự án nhà máy sản xuất vi mạch vào kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 1-6-2011, theo website Chính phủ.



Một điểm quan trọng của chủ trương này là dự án sản xuất chip điện tử của CNS được xem xét, áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi như được vay đến 60% tổng mức đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam. Đây được xem là điểm mấu chốt quan trọng để chủ đầu tư có những bước chuẩn bị kế tiếp trong các khâu thủ tục hành chính nhằm đi đến việc triển khai dự án.



Những ưu đãi khác của dự án như miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định và thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư được dùng để sản xuất, chế tạo vi mạch trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra dự án cũng được xem xét áp dụng mức thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ ...



Là dự án sản xuất công nghệ cao nên dự án được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm; được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, dự án còn được hỗ trợ chi phí theo quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.



Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM tổ chức thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án, chỉ đạo chủ đầu tư quản lý, tổ chức thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả đầu tư.



Theo đề xuất của chính quyền TPHCM và chủ đầu tư trước đây, dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử này sẽ được thực hiện tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP). Trước đó, chủ đầu tư đã ký thỏa thuận thuê 10 héc ta đất tại SHTP để phát triển dự án này.



Trao đổi với TBKTSG Online vào ngày hôm nay 29-5, một nguồn tin có thẩm quyền của Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết hiện SHTP đã có sẵn khoảng 10 héc ta đất để nhà đầu tư xây dựng nhà máy.



Theo kế hoạch trước đây, dự án nhà máy sản xất chip điện tử này của CNS có vốn đầu tư dự kiến khoảng 6.600 tỉ đồng.



Từ giữa năm 2012, UBND TPHCM đã đưa ra “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” với mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch sẽ đạt doanh thu 100 - 150 triệu đô la Mỹ, đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, ươm tạo khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch. Dự tính, chi phí ban đầu cho chương trình là 7.506 tỉ đồng, trong đó bao gồm dự án nhà máy của CNS. Dự án này của CNS dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 1,8 tỉ con chip/năm với doanh thu khoảng 90 triệu đô la Mỹ/năm.



Hiện nay, ngoài dự án đầu tư của Intel Products Việt Nam, tại SHTP cũng thu hút được các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước như nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Công ty Saigon Semiconductor Technology Inc (SSTI) để xuất khẩu đi thị trường Mỹ với vốn đầu tư hơn 257,5 triệu đô la Mỹ.



Và mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Nguyên đã nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất chip sinh học phục vụ cho việc chẩn đoán và phát hiện một số bệnh lý như bệnh lao, ung thư, điếc bẩm sinh, bệnh thalassemiadi (bệnh lý thiếu máu di truyền) với vốn đầu tư gần 598 tỉ đồng (khoảng 27,9 triệu đô la Mỹ).



Quốc Hùng
















Theo stockbiz.vn