Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào công nghiệp và khai thác tài nguyên, trong khi nông nghiệp khó khăn về đầu ra và dịch vụ gặp sức ép bởi khách du lịch giảm sút.



Tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay, đại diện cho cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt. Tăng trưởng GDP quý I/2015 đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây, thu ngân sách đạt khá, lạm phát ở mức thấp, lãi suất tiếp tục giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá tăng gấp đôi cùng kỳ, cho thấy các tín hiệu tích cực về tổng cầu. Nợ xấu ngân hàng có xu hướng giảm dần, từ mức 4,08% cuối năm 2012 xuống còn 3,25% cuối năm 2014.



Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế vẫn lo ngại tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Theo báo cáo, tăng trưởng quý I cao chủ yếu do đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá), trong khi mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ khoảng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước. Chất lượng nguồn lao động chưa cải thiện nhiều, vẫn thiếu hụt lao động có trình độ cao.



Một số đại biểu cũng lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015. Theo số liệu mới nhất, nhập siêu của cả nước 4 tháng đầu năm trên 2 tỷ USD, nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm, giá cả các loại hàng hóa trên thế giới xuống thấp, chủ yếu là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Đồng thời, nhập khẩu vẫn bị phụ thuộc lớn vào một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.



'Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao', Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói.



Mối lo ngại khác là nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, song hành với nghĩa vụ trả nợ lớn. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn nhà nước chậm nên khó có thể hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2014-2015.



Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng lên, nhưng tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Có ý kiến quan ngại rằng, nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế.



Trước những nhận định trên, Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiều khả năng tăng trưởng GDP năm nay đạt mục tiêu 6,2%, nhưng cần tập trung vào nhiều giải pháp.



Cụ thể, phải hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II/2015. Chính phủ cũng cần xem xét để trình Quốc hội ban hành Luật hoặc Nghị quyết riêng về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để bảo đảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.



Riêng với tái cơ cấu nông nghiệp - một nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ coi là trọng tâm thời gian tới, Ủy ban khuyến nghị cần phải có quy hoạch rõ ràng, xác định rõ những lợi thế của từng loại sản phẩm, từng vùng. Đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu như địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng được yêu cầu, tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu, giải quyết những bất cập về nạn ùn ứ xảy ra gần đây.



Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Việc nhượng quyền khai thác công trình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không cần tính toán thận trọng, kỹ lưỡng.



'Phải có tầm nhìn chiến lược và xây dựng đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt, không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp', ông Giàu nói.



Phương Linh










Theo stockbiz.vn