Khi kinh tế Mỹ tăng trưởng quanh 2% và tỷ lệ thất nghiệp gần như đã đạt yêu cầu, Cục Dự trữ liên bang chẳng còn mấy lý do để giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục.



Nếu lắng nghe các chuyên gia kinh tế tại Phố Wall, người ta hẳn sẽ nghĩ FED nâng lãi suất ngay có thể gây ra thảm kịch, đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và thị trường tài chính sụp đổ. Nhưng trên thực tế, nếu FED hành động ngay tuần này, lãi suất có lẽ chỉ lên từ gần 0% lên 0,125% hoặc 0,25% mà thôi. Mức tăng này không đáng kể.



Đợt tăng đầu tiên sau nhiều năm có tác động về tâm lý nhiều hơn là tài chính hay kinh tế. FED đã giữ lãi suất thấp quá lâu, khiến người ta sợ hãi sự thay đổi.



Thị trường chứng khoán đã biến động lớn nhiều tuần nay trước mỗi tín hiệu lãi suất tăng. 10 tuần gần đây, chứng khoán cứ tăng một tuần lại giảm một tuần, một phần cũng vì FED.



Đây không phải điều tốt. Vì Cục Dự trữ liên bang đã ra tín hiệu tăng lãi suất năm 2015 từ gần một năm nay rồi. Vấn đề chỉ là tìm thời điểm thích hợp mà thôi. Và cũng như mọi quyết định lớn khác, đây luôn là việc đau đầu.



Đã đến lúc Mỹ phải gỡ bỏ miếng urgo (miếng băng vết thương) đã tồn tại nhiều năm qua. Nếu FED còn trì hoãn nữa, thị trường sẽ chỉ thêm biến động mà thôi. Nhà đầu tư sẽ lại băn khoăn 'Thế thì bao giờ mới tăng đây, tháng 10, tháng 12 hay năm sau?'.



Giới phân tích đánh giá khả năng tăng lãi tuần này vẫn là 50%. Chắc chắn thị trường sẽ có phản ứng sau thông báo tăng lãi suất (thường là bán). Nhưng sau đó, họ sẽ dần bình tâm lại và nhận ra thế giới sẽ chẳng bị hủy diệt nếu lãi suất tăng 0,25% đâu.



Trọng tâm bây giờ không phải là đợt tăng lãi suất đầu tiên, mà là điều gì sẽ xảy ra sau đó. Liệu FED sẽ tiếp tục tăng lãi trong vài phiên họp tới, hay sẽ giãn ra và chỉ tăng hai hoặc ba lần năm sau thôi?



Tốc độ tăng mới là điều mọi người nên quan tâm. Nhưng họ sẽ chẳng nghĩ được thế đâu, cho đến khi FED tăng lãi suất lần đầu.



Có rất nhiều ý kiến cho rằng sẽ thật ngớ ngẩn nếu FED tăng lãi suất ngay. Trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cứu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Larry Summers và cả tờ New York Times nữa.



Họ nói đúng ở điểm lạm phát Mỹ vẫn dưới mục tiêu 2%. Họ cũng đúng nốt khi nói kinh tế Trung Quốc giảm tốc (hay Hy Lạp và Canada cũng vậy) là điều đáng lo ngại, còn chứng khoán Mỹ gần đây đang đi xuống.



Nhưng vấn đề là sẽ chẳng bao giờ có thời điểm hoàn hảo để nâng lãi đâu. CNN cho rằng họ chỉ cần tìm thời điểm đủ ổn để hành động mà thôi. Ngay lúc này, kinh tế Mỹ và các thị trường đã sẵn sàng, hoặc ít nhất thì có vẻ đã sẵn sàng, để đón chờ việc này.



Năm ngoái, Mỹ đã tạo thêm số việc làm nhiều nhất từ năm 1999. Và năm nay, tốc độ này cũng đạt trung bình trên 200.000 việc làm mỗi tháng.



Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng vừa trải qua thời kỳ tăng điểm dài kỷ lục, khi tăng hơn gấp 3 từ đáy năm 2009. Nhà đầu tư phải cảm ơn FED vì điều đó. Nhưng giờ, nếu còn duy trì lãi suất thấp thêm nữa, họ sẽ lại tạo ra bong bóng giá cổ phiếu.



'Càng duy trì lãi suất cao, thị trường tài chính càng trở nên dư thừa. Khi đó, rủi ro biến động tài chính và suy thoái toàn cầu sẽ càng lớn', Albert Edwards – chiến lược gia tại Societe Generale cho biết.



Tăng lãi tháng 9 sẽ mang theo 3 thông điệp. Một là kinh tế Mỹ đang tốt lên và lãi suất gần 0% là không cần thiết nữa. Hai, FED sẽ không bị ảnh hưởng bởi các biến động trên thị trường chứng khoán. Và cuối cùng, họ đã thực hiện xong bước đầu tiên, hãy hít thở bình thường và bắt đầu thảo luận chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.



Hà Thu (theo CNN)










Theo stockbiz.vn