Vụ bê bối nợ công của Hy Lạp đã khiến người ta xao nhãng những gì xảy ra ở phía Đông Liên minh châu Âu (EU): trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu còn bận 'cãi vã, thảo luận các chi tiết của kế hoạch cứu Hy Lạp trong tương lai', tại nước Nga 'mối đe dọa về một vụ vỡ nợ thảm khốc hơn đang dần hiện ra.' Theo báo Pháp Le Nouvel Observateur, Nga thực sự đang đối mặt với mối đe dọa vỡ nợ mới.



Dấu hiệu vỡ nợ



Vào tháng 1 năm nay, khi tỉnh Novgorod đã không thể trả nợ vay Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB). Chính quyền tỉnh này buộc phải tổ chức đấu giá để có khoản vay mới với lãi suất 23,63%, nhưng đã không thể thu hút các ngân hàng tham gia, do đó tỉnh này đã vỡ nợ về mặt 'kỹ thuật.' Cuối cùng, Bộ Tài chính Nga đã phải cung cấp 320 triệu ruble hỗ trợ tỉnh này.



Tình hình giống như ở Novgorod không phải là 'cá biệt.' Cụ thể theo số liệu của ĐH kinh tế Plekhanov, 20/85 tỉnh của Nga hiện đang ở tình trạng vỡ nợ. Các khu vực nợ nần cao là hệ quả của các biện pháp quy mô lớn được Chính phủ Nga thông qua sau khi ông Vladimir Putin trở lại làm tổng thống tháng 5-2012, trong đó có chương trình tăng tỷ lệ sinh nở, tạo 25 triệu việc làm vào năm 2020, cũng như cải cách hệ thống y tế. Báo Le Nouvel Observateur viết: 'Bất chấp thực tế các nhiệm vụ này theo ý tưởng cần do khu vực và chính quyền liên bang cùng thực hiện, song phần lớn công việc trong khuôn khổ các “sắc lệnh tháng 5” đều do các khu vực gánh vác.'



Đến năm 2014, tình hình trở nên tồi tệ do giá dầu giảm mạnh, Moscow phải đối mặt với biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự mất giá mạnh của đồng ruble khiến nguồn thu của các khu vực giảm đáng kể, trong khi chi tiêu tiếp tục tăng. Chính quyền các khu vực còn khó khăn hơn khi Ngân hàng Trung ương Nga quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 17%, làm “tê liệt thị trường liên ngân hàng, biến sự phụ thuộc của các khu vực vào ngân hàng trở thành cơn ác mộng.” Trong khi đó, chính phủ liên bang ngày càng ít hỗ trợ các khu vực hơn, năm 2015 ngân sách liên bang dành cho các khu vực giảm 15% so với năm trước.



Dự báo về triển vọng kinh tế Nga rất khác nhau: Nếu các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng GDP của Nga giảm khoảng 3% trong năm 2015, và năm 2016 ổn định, thì các chuyên gia Bloomberg lại cho rằng Nga phải đối mặt với nguy cơ 'suy thoái nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua”. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor thì dự đoán Moscow sẽ vỡ nợ trong 2-3 năm tới. Cuộc khủng hoảng này có nhiều nguyên nhân, song trước tiên nó liên quan tới việc giá dầu giảm mạnh.



Ngân sách Nga, một nửa có được nhờ xuất khẩu khoáng sản, đã giảm đáng kể, khiến đồng ruble mất giá mạnh, tiếp theo là tình trạng vốn ồ ạt chảy ra nước ngoài, mà chỉ trong năm 2014 là 120 tỷ USD, tương đương 10% GDP. Động thái tăng mạnh lãi suất cơ bản và các biện pháp hỗ trợ trực tiếp đồng ruble đã kìm hãm đà mất giá, và Ngân hàng Trung ương Nga bắt đầu từng bước giảm lãi suất để thu hút đầu tư - song việc giảm lãi suất cũng gây ra hậu quả tiêu cực về lạm phát, mà trong giai đoạn 2013-2014 đã tăng gấp đôi.



Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 21-7 cho biết đích thân ông sẽ xử lý vấn đề nợ của các khu vực và cam kết chính phủ sẽ chi 310 tỷ ruble dưới các hình thức trợ cấp khác nhau. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể chưa đủ. Vấn đề nằm ở chỗ cuộc khủng hoảng tại Nga không chỉ là hệ quả của tình hình kinh tế khó khăn, mà còn mang tính cơ cấu. Do khủng hoảng mà sự thống trị của khu vực nhà nước độc quyền trong nền kinh tế (chiếm 55% GDP) đã xuất hiện, và hệ quả của sự thống trị này là tình trạng thiếu đổi mới, nền kinh tế phụ thuộc vào khoáng sản của Nga dễ bị tổn thương do biến động giá dầu và nhu cầu đối với khí đốt ở châu Âu'.



Tuy nhiên, báo Le Nouvel Observateur thừa nhận Nga còn lâu mới vỡ nợ. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin trong một cuộc phỏng vấn gần đây cũng nói rằng khả năng Moscow vỡ nợ là 'rất thấp'. Theo ông Kudrin, cuộc khủng hoảng ở Nga sẽ kéo dài, và sau đó sẽ là giai đoạn dài trì trệ.



Ngoài ra, khả năng vỡ nợ 'là không thể chấp nhận đối với chính quyền Nga, vốn được xây dựng dựa trên những cam kết về ổn định, trái ngược với bầu không khí độc hại những năm 1990 của một tổng thống say xỉn và thông báo phá sản vào năm 1998'.



“Méo mặt” vì dầu mỏ mất giá



Cuộc khủng hoảng tiền tệ mà Nga đang trải qua bắt nguồn từ việc giá dầu thô giảm nhanh và liên tục trên thị trường thế giới. Giá một thùng dầu thô WTI từ 110 USD giảm xuống còn 50 USD và tạm thời ổn định ở mức 60 USD. Trong khi đó, một nửa ngân sách Nga có nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí.



Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, thứ hạng của nền kinh tế Nga đã bị giảm, từ vị trí thứ 10 trên thế giới, xuống hàng thứ 12 hoặc 13. Việc xây dựng ngân sách được tiến hành dựa trên giả định giá một thùng dầu là 100 USD nên nền kinh tế Nga rơi vào bế tắc khi giá dầu xuống thấp.



Khi bị thất thu, một trong những giải pháp là đi vay trên thị trường tài chính quốc tế trong khi chờ đợi giá dầu tăng. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã ngăn chặn giải pháp này. Nhận định về tác động của việc giảm giá dầu đối với nền kinh tế Nga, chuyên gia Julien Vercueil, thuộc Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO), tác giả của nhiều bài viết về kinh tế Nga, cho biết: “Đây là vấn đề nghiêm trọng trên nhiều phương diện và không chỉ đối với nền kinh tế Nga. Nếu chỉ đề cập đến nền kinh tế Nga, việc giá dầu giảm tác động mạnh đến cán cân thương mại với nước ngoài. Ví dụ, cán cân vãng lai của Nga phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu. Dầu khí và các sản phẩm dầu khí chiếm tới 70% trong tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của Nga. Do vậy, khi giá dầu giảm, đương nhiên, thu nhập ngoại tệ của Nga giảm. Cán cân vãng lai bị mất cân đối và hậu quả là dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga bị giảm theo”.



Mặt khác, giá dầu giảm cũng gây ra các tác động đến nền kinh tế Nga, làm thất thu thuế. Ngân sách của Nga phụ thuộc tới 50% vào nguồn thu thuế từ các ngành công nghiệp xuất khẩu nguyên liệu, năng lượng và xét cho cùng, phụ thuộc nhiều vào đồng USD. Ngành dầu lửa không phải là động lực có tác động mạnh đối với cơ cấu kinh tế Nga, nếu nhìn dưới góc độ giá trị gia tăng. Lĩnh vực năng lượng không chiếm một tỷ trọng lớn nếu xem xét từ góc độ giá trị gia tăng trong nền kinh tế Nga. Các lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng là dịch vụ, công nghiệp chế biến. Đương nhiên ngành công nghiệp dầu khí cũng có vai trò, nhưng khiêm tốn, chỉ vào khoảng 15-20%. Ngược lại, những tác động gián tiếp gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Nga. Giá dầu giảm gây áp lực mạnh đối với tỷ giá hối đoái của đồng ruble. Tỷ giá này theo sát giá dầu mỏ. Tỷ giá hối đoái đồng ruble giảm tác động đến một loạt cân bằng ngoại tệ của những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những Cty xuất khẩu. Những doanh nghiệp này đi vay bằng đồng USD và do vậy gặp khó khăn trong việc trả lãi và thanh toán nợ”.



Theo giới phân tích, khả năng đối phó, thích ứng của nền kinh tế Nga yếu kém là do những vấn đề cơ cấu nội tại và sự mất cân đối này đã tồn tại từ thời Liên Xô, kéo dài cho đến nay. Công nghiệp nặng của Nga bao gồm chủ yếu là các ngành khai thác nguyên nhiên liệu. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến rất yếu ớt.



Có thể nói, một trong những thảm họa của nền kinh tế Nga là những yếu tố chính trị thắng thế so với những yếu tố kinh tế thuần túy. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, nền kinh tế Nga là con tin của lập trường chính trị hiện nay của Moskva. Nếu có những yếu tố kinh tế, địa chính trị thuận lợi thì kinh tế Nga có thể thoát ra khỏi sự bế tắc, ví dụ như tình hình Ukraine lắng dịu, đồng ruble tăng giá và giá dầu có xu hướng tăng trở lại, ba yếu tố này kết hợp với nhau thì kinh tế Nga có thể phục hồi.



Minh Tâm










Theo stockbiz.vn