Viễn cảnh về một cú lao dốc tồi tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang khiến các nhà đầu tư toàn cầu 'đứng ngồi không yên', và ngày càng lo ngại trước chính sách của Bắc Kinh.



Kịch bản tồi tệ nhất đang được tính tới là kinh tế Trung Quốc sẽ sụp sổ, kích hoạt chuỗi domino khắp thế giới, từ những thị trường mới nổi như Chile và Indonesia, tới các cường quốc công nghiệp như Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, theo AP.



Như cách nói của nhà chiến lược toàn cầu David Kelly ở Quỹ JP Morgan, Mỹ, đà rơi tự do hiện nay của các thị trường chứng khoán là sản phẩm 'Made in China' (sản xuất tại Trung Quốc).



Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ tăng trưởng 6,8%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.



Trung Quốc, sau thời kỳ tăng trưởng ở mức hai con số thời giữa những năm 2000, đang cố gắng chèo lái con thuyền kinh tế qua giai đoạn chuyển tiếp sóng gió. Nước này đang chuyển từ thời kỳ tăng trưởng nhanh bằng việc xuất khẩu và đầu tư ồ ạt, có phần lãng phí, sang giai đoạn tăng trưởng chậm hơn, dựa vào chi tiêu người tiêu dùng.



Con số thống kê chính thức cho thấy, kinh tế Trung Quốc trong quý I năm nay tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn có hoài nghi ngày một lớn rằng số liệu Bắc Kinh công bố không phản ánh đúng đà giảm tốc. Minh chứng được ông Kelly chỉ ra đó là ngành ôtô, lượng điện tiêu thụ và hoạt động xây dựng 'đều có vẻ rất kém'.



'Mọi người đều cho rằng họ có thể giảm tốc mức tăng trưởng hàng năm xuống còn khoảng 7%/năm và điều đó sẽ không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến thế giới', Sung Won Sohn, nhà kinh tế tại đại học Channel Islands, bang California, Mỹ nhận định. 'Nhưng có vẻ kinh tế nước này đang trượt dốc xuống hơn cả mức đó'.



Các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Caterpillar và Chevron đều thừa nhận họ đang chịu thiệt hại do vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Cổ phiếu một số hãng công nghệ cũng trượt dốc. Cổ phiếu của Apple, hãng có doanh số bán iPhone và các sản phẩm khác ở mức cao tại Trung Quốc, đã giảm gần 20% trong vòng 5 tuần gần đây.



Thoạt nhìn, những hoảng loạn trên phố Wall có vẻ như hơi thái quá. Bởi dù sao, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm 1% thì cũng chỉ khiến kinh tế Mỹ sụt 0,2%, Mark Zandi, nhà kinh tế gia tại hãng phân tích Moody's Analytics nói.



Tương tự, mức độ giảm như trên của kinh tế Trung Quốc cũng chỉ khiến tăng trưởng của khu vực đồng euro giảm 0,1% - 0,15%, theo UniCredit Research. Sự giảm tốc này rõ ràng khó có khả năng gây thảm họa.



Thế giới lo sợ



Thế nhưng, nhiều quốc gia vẫn lo lắng về tình hình Trung Quốc, vì nhiều người đang gia tăng hoài nghi rằng liệu các nhà hoạch định chính sách nước này có công cụ để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ở tốc độ hợp lý - một điều từng được xem là yên tâm và có thể đạt được trong suốt hơn hai thập niên qua.



Bắc Kinh từng bảo vệ nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 bằng cách yêu cầu ngân hàng quốc doanh ồ ạt cấp khoản vay cho các công ty xây dựng đường, nhà cửa và nhà máy. Hệ quả là nợ của các doanh nghiệp tăng vọt và nay càng làm vấn đề kinh tế thêm trầm trọng.



AP cho rằng giới chức Trung Quốc cũng có quyết sách sai lầm khi thúc đẩy quá đà giá chứng khoán và khuyến khích nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mua cổ phiếu. Ý tưởng của họ khi đó là các công ty có thể phát hành cổ phiếu trong điều kiện thị trường tăng trưởng và dùng số tiền thu được để trả bớt nợ.



Tuy vậy, giá cổ phiếu đã tăng tới mức không thể chống đỡ được và sụp đổ, còn chính phủ đang nỗ lực trong vô vọng để dọn dẹp mớ bòng bong.



Rắc rối mới nhất phát sinh hôm 11/8, khi Bắc Kinh bất ngờ phá giá nội tệ. Giới chức nước này lý giải rằng họ muốn bắt kịp với tâm lý nhà đầu tư, vốn cho rằng đồng nhân dân tệ (NDT) bị định giá quá cao do bị neo tỷ giá với USD, vốn đang trên đà tăng giá.



Những người hoài nghi thì cho rằng việc phá giá NDT thực chất là bước đi của Bắc Kinh nhằm cứu lấy các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn. Bởi một đồng NDT yếu hơn sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc có lợi thế về giá trên thị trường quốc tế.



Hậu quả là, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và đồng NDT yếu đang gây ra những vết thương lan rộng. Theo tính toán của Oxford Economics, nếu NDT giảm 10% trong năm nay thì có thể khiến tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2016 sụt 1,16%, còn tăng trưởng của Indonesia giảm 0,32%.



Sản lượng công nghiệp và hoạt động xây dựng tại Trung Quốc giảm tốc đồng nghĩa với việc nguồn cầu đối với đồng của Chile, than của Australia hay quặng sắt của Brazil sẽ đi xuống. Đài Loan và Hàn Quốc, những thị trường cung cấp thiết bị cho các nhà máy Trung Quốc đại lục lắp ráp đồ điện tử, ôtô và các sản phẩm khác, cũng sẽ phải lao đao. Nhật Bản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi có tới 1/5 lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.



Nguy cơ đà giảm tốc của Trung Quốc tồi tệ hơn dự báo cũng khiến châu Âu phải lo lắng. Tác động cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc tình hình còn xấu đi tới đâu. Một cú lao dốc mạnh, ví dụ Trung Quốc chỉ còn tăng trưởng 3%, có thể khiến châu Âu mất tổng cộng 1 - 2% sản lượng kinh tế trong 5 năm qua.



Đức nhiều khả năng là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trong thập kỷ qua, các nhà sản xuất máy công nghiệp và ôtô của nước này đã kiếm lời nhờ sự tăng trưởng mạnh của Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của hãng ôtô hạng sang BMW. Hiện giờ, hãng xe này đang rất thận trọng trước tình hình thị trường Trung Quốc.



Tuy nhiên, Andreas Rees, nhà kinh tế Đức tại UniCredit Research cho biết Trung Quốc chiếm chỉ 6,5% kim ngạch xuất khẩu của Đức. 'Về tổng thể, tôi nghĩ rằng những lo lắng về Trung Quốc đang bị thổi phồng', ông Rees nhận định.



Vậy nhưng một số nhà phân tích chỉ ra rằng các tính toán kinh tế có thể không đủ để đo lường rủi ro từ đà giảm tốc của kinh tế của nước này. Các tác dụng phụ về chính trị và xã hội cũng có thể gây ra tổn thất riêng. Điều gì sẽ xảy ra nếu đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc khiến giá dầu tiếp tục trượt dốc, châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế tại Nga, một nhà xuất khẩu năng lượng?



Giới phân tích so sánh vấn đề của Bắc Kinh với Athens. Hy Lạp chỉ chiếm 2% nền kinh tế của các nước dùng đồng euro, nhưng khủng hoảng ngân sách tại Hy Lạp đã tạo ra lo ngại rằng quốc gia này sẽ từ bỏ đồng euro, gây ra nguy cơ tan rã của nhóm này.



Hy Lạp 'rõ ràng là nền kinh tế ít quan trọng nhưng vẫn khiến việc hoạch định chính sách châu Âu tê liệt', Kenneth Rogoff, nhà kinh tế đại học Harvard nói. Nếu Hy Lạp có thể đe dọa sự thống nhất của châu Âu, thì cứ thử tưởng tượng hậu quả từ cuộc khủng hoảng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ nghiêm trọng như thế nào. Vậy nên hoàn toàn dễ hiểu khi các nhà đầu tư đang nóng lòng như lửa đốt.



Hoàng Nguyên (theo AP)










Theo stockbiz.vn