Theo hãng tin Bloomberg, nhiều ngân hàng trung ương tại Châu Á đã sẵn sàng can thiệp để bình ổn sự biến động trên thị trường, vốn đang khiến chứng khoán và tiền tệ bị ảnh hưởng mạnh.



Những nhận định này được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Châu Á có một phiên giao dịch tồi tệ. Riêng thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 8,5% trong ngày 24/5, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007. Hành độn bán ra trên các thị trường được chuyên gia nhận định là do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và động thái điều chỉnh quy chế tỷ giá ngày 11/8.



Chuyên gia kinh tế trưởng Alicia Garcia Herero về Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis nhận định việc chứng khoán giảm mạnh không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến các ngân hàng trung ương hành động mà là những tác động lan tỏa khiến các đồng tiền giảm giá.



Thống đốc Raghuram Rajan của Ấn Độ cho biết ngân hàng trung ương không có nghĩa vụ giải cứu thị trường chứng khoán nhưng sẽ can thiệp để hỗ trợ đồng Rupee.



Tại Hàn Quốc, các nhà hoạch định chính sách đang có kế hoạch hành động nhằm bình ổn thị trường tài chính. Tình hình căng thẳng với Bắc Triều Tiên đã làm gia tăng rủi ro rút vốn cũng như bất ổn trên thị trường. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) nhận định mục tiêu bình ổn thị trường là vô cùng quan trọng, đồng thời cho biết đang kiểm soát chặt chẽ những rủi ro đến từ bên ngoài và có thể đưa ra những biện pháp đối phó nếu cần thiết.



Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng đã yêu cầu các quan chức theo dõi chặt chẽ thị trường và ngăn chặn sự 'lo lắng' của các nhà đầu tư liên quan đến tình hình chính trị với Bắc Triều Tiên.



Một số quốc gia như Việt Nam đã có động thái giảm giá đồng tiền trước việc phá giá Nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng trung ương đều đồng ý với hành động giảm giá đống tiền.



Thống đốc Agus Martowardojo của Indonesia cho biết ông sẽ không theo các quốc gia khác trong cuộc chiến giảm giá đồng tiền cũng như có hành động đối với tỷ giá đồng Rupiah.



Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Phillipin Cesar Purisima cảnh báo việc sử dụng tỷ giá nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể kích thích một cuộc chiến giảm giá đồng tiền trong khu vực.



Những diến biến phức tạp của thị trường Châu Á diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất trong năm nay.



Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey nói rằng FED càng sớm đưa ra những dấu hiệu về thời điểm nâng lãi suất thì càng tốt cho việc giải quyết sự bất ổn trên thị trường chứng khoán.



Ngày thứ hai đen tối (24/8) của chứng khoán Trung Quốc, chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã giảm điểm phiên thứ 7 liên tiếp, tỷ lệ tín dụng tại Châu Á tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2009 và hàng loạt đồng tiền trong khu vực đang ở mức thấp so với USD.



Tình trạng đồng tiền ở mức thấp so với đồng USD tại Châu Á đang gia tăng rủi ro rút vốn khỏi các thị trường và làm tăng chi phí thanh toán các khoản vay bằng ngoại tệ.



Hoàng Nam










Theo stockbiz.vn