Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,88 USD hay giảm 4,2%, giao dịch ở 43,08 USD/thùng. Đây là mức giảm lớn nhất hơn 1 tháng qua và là mức giá thấp nhất kể từ ngày 11/3/2009.



Giá dầu Brent cũng giảm 1,23 USD/thùng hay giảm 2,4% xuống 49,18 USD/thùng, chỉ cao hơn mức thấp nhất 6 năm khoảng 3 USD.



Giá dầu giảm mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ phá giá nhân dân tệ kỷ lục gần 2%, kéo nhân dân tệ giảm mạnh nhất kể từ năm 1994 so với USD



Việc phá giá nhân dân tệ cho thấy ngành xuất khẩu của Trung Quốc đang trong giai đoạn suy yếu cùng với đà giảm tốc của nền kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ là chỉ báo cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc giảm. Hơn nữa, USD mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa định giá bằng USD trở nên đắt đỏ do đó kém hấp dẫn hơn. “Tình hình chung cho thấy, Trung Quốc – động cơ tăng trưởng chính của thị trường dầu sẽ không thể giải cứu thị trường dư cung trong tương lai gần”, Dominick Chirichella, chuyên gia phân tích tại Viện quản lý năng lượng nhận xét.



Giá dầu tiếp tục giảm cũng do sản lượng của các nước sản xuất dầu chủ chốt không ngừng tăng. OPEC vừa cho biết, sản lượng dầu thô của các nước thành viên đã lên cao nhất 3 năm trong tháng 7, tăng 101.000 thùng/ngày lên 31,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ được cho là tiếp tục duy trì ở mức kỷ lục.



Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ hôm qua đã hạ dự báo giá dầu Mỹ và Brent khoảng 10%. Theo đó, giá dầu Mỹ giao ngay sẽ đứng ở 49,62 USD/thùng và Brent ở 54,4 USD/thùng trong năm 2015. Tuy hạ dự báo sản lượng dầu của Mỹ xuống 9,4 triệu thùng/ngày nhưng cơ quan này cho rằng sản lượng dầu của Mỹ vẫn trên đà cán mốc kỷ lục kể từ năm 1972. Trong khi đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ nâng dự báo sản lượng của OPEC thêm 0,5%lên 37,3 triệu thùng/ngày và khiến thị trường thế giới dư cung hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2015.



Minh Phương - Theo WSJ










Theo stockbiz.vn