Việc giá vàng giảm mạnh trong khi Nga lại tăng cường dự trữ khiến quốc gia này giống như đang 'khát vàng'. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều chuyên gia không chú ý là hầu hết số vàng mà ngân hàng trung ương Nga mua được sản xuất trong nước và bằng đồng Rúp.



Nga có dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới sau Mỹ, Đức, Ý và Pháp. Để đạt được vị trí đó, ngân hàng trung ương Nga đã đều đặn mua vào vàng sản xuất trong nước. Ngay cả khi giá vàng đạt đỉnh vào tháng 9/2011, việc tích trữ vàng của Nga vẫn không hề thuyên giảm.



Nếu xem xét theo quan điểm của nhà đầu tư, đây là một động thái không khôn ngoan. Thông thường, các nhà lãnh đạo sẽ điều chỉnh tỷ lệ dự trữ với các loại vàng, tiền tệ để đảm bảo an toàn nhất.



Vào đầu tháng 9/2011, Nga có dự trữ 27,2 triệu ounce vàng với tổng giá trị 52,3 tỷ USD. Đến tháng 6/2015, nước này dự trữ 41 triệu ounce vàng nhưng chỉ có giá trị 48,1 tỷ USD, và hiện tại tổng giá trị dự trữ vàng của Nga đã xuống 44,9 tỷ USD. Rõ ràng, việc mua vào vàng của Nga không chỉ đơn giản là tăng cường tỷ lệ dự trữ.



Đã có nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính trị khiến Nga tăng cường mua vàng. Năm 2014, sau cuộc sáp nhập Crimea, nỗi lo ngại trừng phạt kinh tế của Phương Tây đã khiến Nga giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Mỹ từ 126,2 tỷ USD tháng 2/2014 xuống 86 tỷ USD tháng 12/2014. Thay vào đó, quốc gia này tìm kiếm một loại tài sản đảm bảo trung lập khác là vàng. Riêng trong năm 2014, Nga đã mua vào 171 tấn vàng hay 5,5 triệu ounce.



Tuy nhiên, câu trả lời trên không giải thích tại sao Nga mua rất nhiều vàng trước khi xung đột Ukraina xảy ra và thậm chí sau khi các lệnh trừng phạt đã không còn tác động mạnh vào kinh tế nữa như hiện nay.



Theo Bộ Tài chính Mỹ, Nga đã không còn bán ra trái phiếu Mỹ nữa. Sau khi liên tục hạn chế nắm giữ trái phiếu Mỹ dưới 70 tỷ USD trong khoảng tháng 2-4/2015, nước này đã tăng lượng nắm giữ lên 70,6 tỷ USD vào tháng 5/2015. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục tích trữ thêm vàng. Riêng trong khoảng tháng 3-6/2015, quốc gia này đã mua thêm 2,2 triệu ounce vàng.



Lý do chính cho tình trạng trên nằm trong ngành công nghiệp sản xuất vàng của Nga. Theo Hiệp hội Sản xuất Vàng Nga (GMU), Nga là nước sản xuất vàng lớn thứ 2 thế giới năm 2014 với 288 tấn vàng.



Theo quy định, các nhà sản xuất vàng tại Nga không được phép xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của họ mà phải bán cho các ngân hàng trong nước. Sau đó, những ngân hàng này sẽ đứng ra giao dịch với ngân hàng trung ương Nga cũng như các khách hàng nước ngoài.



Năm 2014, các ngân hàng Châu Âu đã mua 76 tấn vàng từ các ngân hàng quốc doanh Nga. Tuy nhiên, con số này chưa là gì so với tỷ lệ thu mua 59% sản lượng vàng của ngân hàng trung ương Nga.



Cuối tháng 2/2015, GMU lo ngại khả năng thua lỗ của một số thành viên nên đã đề nghị ngân hàng trung ương Nga tăng cường mua thêm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do lãi suất tăng cao (lãi suất tại Nga đã tăng lên 17% vào tháng 12/2014 nhằm đối phó tình trạng đồng Rúp giảm giá mạnh) và để cân bằng lại thị trường nội địa (do nhu cầu vàng giảm). Đáp lại, Phó Thống đốc Dmitri Tulin cam kết sẽ tiếp tục thu mua vàng nhưng cho biết ngân hàng trung ương Nga không thể hỗ trợ cho toàn bộ nhu cầu của thị trường vàng nội địa.



Một nguyên nhân nữa khiến dự trữ vàng của Nga tăng mạnh là do giá dầu, nguồn thu chủ lực của ngân sách. Do giá dầu giảm, Nga cần mua thêm ngoại tệ để tăng cường khi dự trữ ngoại hối trị giá 358,2 tỷ USD của mình. Trong những tháng gần đây, ngân hàng trung ương Nga đã tăng cường tích trữ ngoại tệ để giữ đồng Rúp yếu, nhằm hỗ trợ xuất khẩu và kích thích tiêu dùng hàng nội địa. Nhưng vào ngày 28/7, ngân hàng trung ương Nga tuyên bố tạm dừng việc mua vào ngoại tệ bởi đồng Rúp giảm giá mạnh và có khả năng mất kiểm soát.



Thay vào đó, việc tích trữ vàng từ nguồn cung nội địa an toàn hơn bởi không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ. Ngân hàng trung ương có thể trả bằng đồng Rúp cho các nhà sản xuất vàng trong nước mà không quá lo lắng về việc gây hoảng loạn thị trường hay gia tăng lạm phát đột biến. Hơn nữa, do giá vàng giảm nên việc mua vào vàng sẽ đảm bảo giá trị của tỷ lệ dự trữ ngoại hối, đồng thời khiến những nhà đầu tư an tâm hơn với loại tài sản đảm bảo này.



Tất nhiên, nếu giá vàng giảm nhanh hơn việc ngân hàng dự trữ Nga in tiền và mua vàng nội địa thì tỷ lệ dự trữ của Nga sẽ giảm và tâm lý lo ngại trong giới đầu tư sẽ gia tăng, nhưng điều này là khó xảy ra. Một vấn đề nữa là nếu giá vàng tiếp tục giảm cùng với giá dầu và Nga cần sử dụng kho dự trữ ngoại tệ, khoản dự trữ vàng chiếm 13% tổng dự trữ sẽ không thể dùng bởi giá quá thấp.



Nếu nói về cơn khát vàng của các ngân hàng trung ương, Nga chưa là gì so với nhiều quốc gia khác. Ngoại trừ Mỹ và khu vực Eurozone có đồng tiền mạnh, những nước khác như Li Băng, Ai Cập, Lào, Pakistan, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ lệ dự trữ vàng trên tổng dự trữ lớn hơn Nga. Và chính phủ của những quốc gia này mới là người phải lo khi giá vàng giảm chứ không phải Tổng thống Vladimir Putin.





Hoàng Nam










Theo stockbiz.vn