Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hy vọng, thậm chí cầu nguyện, sẽ không có những biến động trong nước bất thường hoặc khủng hoảng quốc tế nào có thể cản trở họ thực hiện quyết định tăng lãi suất “lịch sử” trong cuộc họp chính sách vào ngày 16 - 17/9 sắp tới.



Rõ ràng, Fed đã nhận thấy một số lý do để không thể trì hoãn quá lâu việc bình thường hóa chính sách lãi suất, như những rủi ro bất ổn tài chính, thị trường lao động đang được cải thiện và kỳ vọng kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3% trong năm nay.



Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, người thường được coi là giữ quan điểm cứng rắn trong các quyết định tăng lãi suất, cũng thể hiện quyết tâm hành động trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước. “Chúng ta đã ở rất gần những gì mà chúng ta muốn và chúng tôi cho rằng kinh tế Mỹ cần môi trường lãi suất cao hơn”, bà Yellen nói.



Thừa nhận sự cần thiết của kế hoạch tăng lãi suất, song Fed vẫn duy trì sự thận trọng và thực hiện theo từng bước. Sự thận trọng của Fed là không thừa trong trường hợp một sự kiện bất ngờ xảy ra có thể làm đảo lộn các nguồn lực tài chính của thể chế tài chính này. Vì vậy, Fed cần một “bước đệm” giữa lãi suất gần 0% và nâng lãi suất. Bản thân bà Yellen đã nhắc đến tình hình khó khăn tại Hy Lạp và tăng trưởng yếu tại Trung Quốc, song các điều kiện cơ bản trong nước cho kế hoạch tăng lãi suất như sự cải thiện của thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát đang hướng đến mục tiêu 2%, đã được đáp ứng.



Bà Yellen nhận định triển vọng của thị trường lao động còn vài điểm chưa thật sáng. Tuy vậy, Chủ tịch Fed nói rằng, triển vọng kinh tế Mỹ sẽ tốt hơn trong sáu tháng cuối năm nay, điều này sẽ thúc đẩy kế hoạch nâng lãi suất của Fed lần đầu tiên kể từ năm 2006.



Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ tiếp tục phát đi những tín hiệu trái chiều: tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua (5,3%), trong khi tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động vẫn gần mức thấp thấp kỷ lục của 40 năm qua (62,2%).



Trước đây, mục đích của chương trình nới lỏng định lượng (QE) mà Fed thực hiện là nhằm nới lỏng các điều kiện tài chính. Theo giải thích của cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke, Fed mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, qua đó đẩy lợi suất loại hình đầu tư ít rủi ro này xuống thấp và kéo các nhà đầu tư vào các tài sản mang tính rủi ro cao hơn như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán thế chấp.



Và nay, diễn biến của lạm phát cùng với sự cải thiện tích cực của thị trường lao động cũng như thị trường nhà ở thời gian qua là những cơ sở vững chắc để Fed tin tưởng rằng, lạm phát sẽ dần tăng tới mục tiêu 2%, qua đó càng thêm quyết tâm tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay.



Theo nhà phân tích Masato Yanagiya, trưởng bộ phận hối đoái tại Sumitomo Mitsui Banking Corp, với dự báo Fed có thể nâng lãi suất vào tháng Chín hoặc tháng Mười Hai tới, nhà đầu tư mua USD tại thời điểm này vẫn nên thận trọng bởi cho tới nay vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về mức độ cũng như quy mô của việc nâng lãi suất. Tuy nhiên, ông dự báo, sức mua vào đồng bạc xanh sẽ mạnh lên vào thời điểm trước tháng Chín.



Song song với kế hoạch tăng lãi suất, Fed cũng đang tính cách thắt chặt hệ thống ngân hàng nước này. Mới đây, Fed vừa thông qua quy định yêu cầu 8 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tăng lượng vốn dự trữ đề phòng rủi ro, trong đó có JPMorgan Chase, Bank of America, Goldman Sachs và Morgan Stanley.



Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)










Theo stockbiz.vn