Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, trong khi chứng khoán toàn cầu có phiên hồi nhẹ do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II, thì giá vàng có cú lao dốc không phanh do lệnh bán tháo trong đầu phiên châu Á.



Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư kỳ vọng vào mùa công bố kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, nhưng mức tăng rất khiêm tốn khi nỗi lo Fed tăng lãi suất đang chực chờ.



Trả lời với kênh Fox, một quan chức hàng đầu của Fed cho rằng, hơn 50% khả năng là Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9.



Chủ tịch Fed Bang St Louis, James Bullard cho biết, lạm phát sẽ tăng và thị trường lao động không còn tiêu cực và Fed đã duy trì mức lãi suất bằng không quá lâu.



Kết thúc phiên 20/7, chỉ số Dow Jones tăng 13,96 điểm (+0,08%), lên 18.100,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,64 điểm (+0,08%), lên 2.128,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 8,72 điểm (+0,17%), lên 5.218,86 điểm.



Thị trường chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng nhẹ khi vẫn đang được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về tình hình nợ Hy Lạp, cũng như được hỗ trợ bởi thông tin mua bán, sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, đà tăng rất khiêm tốn do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu khai thác mỏ, nhất là các công ty khai tác kim loại quý khi giá các loại hàng hóa này giảm mạnh.



Kết thúc phiên 20/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,61 (+0,20%), lên 6.788,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 62,30 điểm (+0,53%), lên 11.735,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,10 điểm (+0,35%), lên 5.142,49 điểm.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ trong phiên đầu tuần. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc dường như đã ổn định trở lại sau các biện pháp can thiệp mạnh tay từ Chính phủ, còn chứng khoán Hồng Kông lại lình xình và gần như không thay đổi trong phiên đầu tuần do giới đầu tư chờ đợi chứng khoán đại lục.



Kết thúc phiên 20/7, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 10,46 điểm (-0,04%), xuống 25.404,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 34,76 điểm (+0,88%), lên 3.992,11 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.



Trên thị trường vàng, ngay cú lao dốc mạnh ngay khi bước vào phiên châu Á của giá vàng khiến nhiều nhà đầu tư giật mình do lệnh bán tháo ồ ạt trên thị trường Thượng Hải. Đợt bán tháo trong vòng 2 phút này khiến giá vàng giảm tới 48 USD/ounce, xuống mức 1.080 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010. Chỉ trong vòng 2 phút, 33 tấn vàng, trị giá 1,3 tỷ USD đã được trao tay, tuy nhiên do thị trường Nhật Bản nghỉ giao dịch, nên lượng dư bán tháo không được hấp thụ hết và kéo dài sang tận phiên châu Âu và Mỹ.



Nguyên nhân khiến giá vàng có cú trượt chân nguy hiểm trên không được tiết lộ rõ, nhưng nhiều nhà phân tích và đầu tư cho rằng, đó là do các lệnh trading ồ ạt và lệnh bán dừng lỗ tự động được kích hoạt.



Trong phiên giao dịch Mỹ, đà giảm đã được hãm lại chút ít, nhưng phiên lao dốc này cũng đã lấy hết những gì có được của giá vàng có được trong 10 năm tăng giá và đang đe dọa mốc 1.000 USD/ounce.



Kết thúc phiên 20/7, giá vàng giao ngay giảm 35,6 USD (-3,14%), xuống 1.097,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 25,5 USD/ounce (-2,25%), xuống 1.106,8 USD/ounce.



Trên thị trường năng lượng, nỗi lo về nguồn cung dầu từ Iran sẽ gia nhập thị trường trong thời gian tới đã khiến giá dầu thô giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần.



Kết thúc phiên 20/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,74 USD/thùng (-1,48%), xuống 50,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,45 USD (-0,79%), xuống 56,65 USD/thùng.



T.Lê










Theo stockbiz.vn