Sau 3 tuần ngừng hoạt động, các nhà băng nước này đã mở cửa trở lại từ hôm nay, dù dịch vụ vẫn còn bị hạn chế.



Cuối tháng 6, Hy Lạp đóng cửa hệ thống ngân hàng do lo ngại các nhà băng sụp đổ vì người dân đổ xô rút tiền. Kể từ đó, người dân nước này chỉ được rút 60 euro mỗi ngày từ các ATM và các giao dịch nước ngoài cũng bị hạn chế.



Hôm nay, các chi nhánh ngân hàng đã mở cửa trở lại, theo thông báo của Bộ Tài chính Hy Lạp. Từ sáng sớm, nhiều người dân đã xếp hàng trước các nhà băng để chờ giao dịch. Tuy nhiên, cảnh tượng ồ ạt tràn vào trong hoảng loạn đã không xảy ra như lo ngại ban đầu. Đến nay, chưa sự cố nào trên cả nước được ghi nhận.



Tuy nhiên, hoạt động của khách hàng chỉ giới hạn ở những dịch vụ cơ bản, như thanh toán trong nước - việc họ chỉ có thể thực hiện online trong vài tuần gần đây. Các chi nhánh được mở của để phục vụ những người không thể tiếp cận thanh toán trực tuyến.



Giới hạn rút tiền tại quầy và tại ATM vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, nếu người dân không muốn xếp hàng mỗi ngày để rút tối đa 60 euro, họ có thể chỉ đến một lần mỗi tuần và lấy tổng cộng 420 euro. Dù vậy, giao dịch chứng khoán tại Hy Lạp vẫn chưa hoạt động, do lệnh hạn chế về giao dịch tài chính.



Các nhà băng hoạt động trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối tuần trước cam kết tăng 900 triệu euro hỗ trợ khẩn cấp cho các nhà băng Hy Lạp.



Các cuộc đàm phán chính thức về gói cứu trợ mới, trị giá tới 86 tỷ euro, có thể bắt đầu từ bây giờ, sau khi quốc hội các nước châu Âu khác, trong đó có Đức, đã bỏ phiếu tán thành xuất tiền cứu Hy Lạp. Tuần trước, lãnh đạo các nước châu Âu đã thống nhất các điều khoản trong gói cứu trợ thứ 3 cho nước này trong 5 năm qua.



Hy Lạp đang rất cần tiền để trả các khoản vay sắp đáo hạn và trang trải các nhu cầu tài chính khác. Tuần trước, châu Âu cũng đã cấp cho nước này khoản vay tạm thời trị giá 7 tỷ euro. Số tiền này chỉ có thể giúp Hy Lạp cầm cự trong vài tuần. Hôm nay, giới chức Hy Lạp thông báo đã thanh toán 4,2 tỷ euro tiền vay cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và 2 tỷ euro đã quá hạn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).



Người dân nước này từ hôm nay cũng sẽ phải chịu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đáng kể lên nhiều mặt hàng và dịch vụ. Đây là một trong những điều khoản đã được Chính phủ Hy Lạp thông qua giữa tuần trước, trong gói thắt lưng buộc bụng đầu tiên. Ngày 22/7 này, họ sẽ bỏ phiếu cho vòng thắt chặt thứ 2.



Hà Thu (theo CNN)










Theo stockbiz.vn