TTCK Trung Quốc đã sụt giảm tới 30% kể từ đầu tháng 6 đến nay đang gây tâm lý hoảng loạn trên thị trường tài chính nước này cũng như thu hút sự quan tâm lớn trên toàn cầu. Điều gì đang diễn ra với TTCK Trung Quốc, với nền kinh tế đang đóng vai trò trụ cột chính của kinh tế toàn cầu?



Thế giới đổ dồn sự chú ý vào TTCK Trung Quốc




Kết quả phân tích trên Google Trends cho thấy, mối quan tâm với các từ khóa như “china stock market” hoặc “chinese stock market” tăng vọt trong thời gian gần đây. Lưu lượng tìm kiếm đối với các từ khóa này ở thời điểm hiện tại còn vượt xa với giai đoạn thị trường này điều chỉnh mạnh trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 - 2008.



Thực ra, mức sụt giảm của TTCK trong ba tuần qua chưa thể coi là “cơn động đất lớn” như bình luận của nhiều tờ báo, nếu so sánh với mức tăng của thị trường này từ tháng 6/2014 tới nay. Với mức tăng 150% trong 6 tháng cuối năm 2014 thì mức điều chỉnh 30% có vẻ không phải là quá khủng khiếp.



Nhìn vào lịch sử của TTCK Việt Nam hay chính TTCK Trung Quốc sẽ thấy, mức độ điều chỉnh 30% vừa qua của TTCK nước này không phải là chưa có tiền lệ. Đồ thị chỉ số chứng khoán Thượng Hải cho thấy, chỉ số hiện tại vẫn còn cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.



Vậy, điều gì khiến mối quan tâm đến diễn biến hiện tại của TTCK Trung Quốc lớn đến như vậy, vượt qua cả mối quan tâm ở giai đoạn TTCK tuột dốc trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008?



Có thể nói, nguyên nhân chính khiến diễn biến hiện tại của TTCK Trung Quốc gây chú ý là vì phạm vi ảnh hưởng của nó. BBC cho biết, có khoảng 90 triệu nhà đầu tư chịu tổn thất trong đợt sụt giảm mạnh này và tác động tiêu cực của nó sẽ tiếp tục lây lan sang các khu vực khác của nền kinh tế đông dân nhất thế giới và là một trong những động lực chính của kinh tế toàn cầu hiện tại.







Đồ thị lưu lượng tìm kiếm từ khóa “china stock market” và “chinese stock market” trên Google từ 2004 đến tháng 7/2015. Nguồn dữ liệu: Google Trends






Tốc độ sụt giảm nhanh của TTCK Trung Quốc trong vòng ba tuần, hơn 1.300 công ty tạm ngừng giao dịch và những câu chuyện thua lỗ của hàng chục triệu nhà đầu tư nhỏ đã tạo ra một hiệu ứng khuếch đại trên các phương tiện truyền thông, khiến mối quan tâm của thế giới với TTCK Trung Quốc càng lớn. Nói chung, người ta có xu hướng quan tâm đến những con số ấn tượng.



Với một nền kinh tế đông dân và quy mô lớn như Trung Quốc, bất cứ một biến động đáng kể nào cũng ở quy mô rất lớn so với các nước khác và đều đáng quan tâm với thế giới. Một số nhà phân tích đã chỉ ra, thiệt hại ở Trung Quốc lớn hơn 20 lần so với tổn thất ước tính của Hy Lạp. Đơn giản là vì quy mô của nền kinh tế Trung Quốc quá lớn.



Đáng quan tâm hơn là thời điểm TTCK Trung Quốc sụt giảm lần này lại trùng với thời điểm sự kiện Hy Lạp tuyên bố mất khả năng thanh toán và có khả năng phải rời bỏ đồng euro đang “nóng” tại châu Âu. Người ta có lý do để lo sợ những tác động xấu đến kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục nhân rộng. Những mối quan tâm càng được nhân rộng hơn khi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khuếch đại nó với những cái tít như 90 triệu người bị mất tiền hay là 1.300 công ty “tháo chạy”.



Đâu là nguyên nhân?



Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, một trong những nguyên nhân chính khiến TTCK Trung Quốc sụt giảm nhanh là việc cho nhà đầu tư vay mua chứng khoán vượt khỏi vòng kiểm soát. Đây cũng là câu chuyện khá quen thuộc tại TTCK Việt Nam trong những năm 2008 - 2010.



Trung Quốc thí điểm việc cho vay để mua chứng khoán từ năm 2010, nhưng duy trì yêu cầu về mức tiền tối thiểu để mở tài khoản ký quỹ để vay chứng khoán là 500.000 Nhân dân tệ và phải có mở tài khoản ở CTCK ít nhất 18 tháng. Tuy nhiên, đến năm 2013, một vài điều khoản này được Ủy ban Quản lý chứng khoán Quốc gia Trung Quốc (Chinese Securities Regulatory Commission - CSRC) phát tín hiệu nới lỏng và một số CTCK đã “vượt rào” trong cho vay mua chứng khoán. Đỉnh điểm là trong vòng 6 tháng, từ tháng 6 tới tháng 12 năm 2014, quy mô cho vay mua chứng khoán đã tăng 3 lần. Đến đầu năm 2015, CSRC siết lại hoạt động này, bằng việc xử phạt một số CTCK vi phạm và nhấn mạnh lại việc cần phải tuân thủ nghiêm quy định nhà đầu tư phải có ít nhất 500.000 Nhân dân tệ mới được vay mua chứng khoán và tỷ lệ ký quỹ là 50%. Sau động thái chính sách này, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã giảm ngay 7,7%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, sau đó thị trường lại tiếp tục leo dốc và các CTCK Trung Quốc đã tìm ra nhiều cách để “lách” các quy định cho vay ký quỹ. Mức độ cho vay để mua chứng khoán thông qua các sản phẩm của công ty tài chính và các định chế tài chính phi ngân hàng lại tăng nhanh. Báo chí nước ngoài bình luận rằng, các nhà đầu tư cho rằng cuộc chơi sẽ còn tiếp tục và tiền nóng sẽ còn dễ kiếm, chính phủ sẽ không quá mạnh tay.





Đồ thị biểu diễn chỉ số Shanghai Stock Exchange Composite Index. Nguồn: Bloomberg



Trước những diễn biến mới ngày càng vượt vòng kiểm soát, từ tháng 4/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và CSRC có biện pháp mạnh tay là xem xét đặt trần mức cho vay mua chứng khoán và nỗ lực chấm dứt các hoạt động lách luật qua việc vay tiền ngoài hệ thống CTCK để mua cổ phiếu. Đây được xem là những tác nhân quan trọng kích nổ quả bom tín dụng cổ phiếu của nước này. Bên cạnh đó, tâm lý bầy đàn của nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đang thua lỗ và bỗng nhiên bị siết thanh khoản khiến nhà đầu tư đua nhau bán tháo, biến TTCK nước này thành một cái chợ hỗn loạn. Nhiều biện pháp can thiệp được Chính phủ Trung Quốc đưa ra, nhưng chưa thể bình ổn tâm lý thị trường.



Có thể nói, một trong những tác nhân quan trọng dẫn đến tình trạng hiện tại là việc nhiều nhà đầu tư và các định chế tài chính trung gian đã không coi trọng những biện pháp mạnh của Chính phủ kể từ tháng 1/2014 và cho rằng cuộc chơi kiếm tiền nóng còn có thể kéo dài. Do đó, họ tỏ ra bất ngờ khi Chính phủ mạnh tay như vậy. Về phía Chính phủ Trung Quốc, có lẽ họ đã đánh giá thấp tác động bị khuếch đại của những biện pháp này do tâm lý bầy đàn và sự phụ thuộc của một số loại cổ phiếu ở Trung Quốc vào dòng tiền vay. Tuy nhiên, họ cũng không thể để quả bom này lớn hơn nữa khi mà quả bom trái phiếu công của các chính quyền địa phương cũng đang bắt đầu bị kích nổ và nền kinh tế đứng trước áp lực cải cách để tìm động lực tăng trưởng mới.



Điều gì có thể xảy đến với Trung Quốc?



Với những diễn biến hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp nhằm chặn đứng đà giảm giá trên TTCK. Hiệu quả của các chính sách này vẫn cần thời gian để kiểm chứng. Nhưng điều quan trọng hơn mà các quan sát viên quốc tế quan ngại là liệu diễn biến tiêu cực trên TTCK có lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế Trung Quốc hay không và có làm nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm hơn nữa hay không? Đó mới thật sự là rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.



Sự thật là những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên lớn hơn nhiều trong năm nay với những khoản nợ lớn của chính quyền địa phương, tốc độ tăng trưởng chậm lại và chất lượng đáng nghi ngờ của các khoản nợ ở các ngân hàng nước này. Những quả bom nổ chậm đó lớn hơn nhiều so với những gì diễn ra ở TTCK Trung Quốc vì dù gì thì Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế mà nguồn vốn tín dụng và đầu tư công vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chủ đạo. Các nhà điều hành ở Trung Quốc sẽ cần phải thận trọng hơn với những gì họ đang làm với TTCK. Tuy nhiên, họ cũng không có nhiều lựa chọn, vì họ cũng không thể để những quả bom đó lớn tới mức không thể kiểm soát nổi.



Tất nhiên, vẫn luôn có người tin rằng những quả bom đó sẽ không bao giờ nổ, hoặc có nổ thì Chính phủ cũng sẽ có cách giải cứu họ. Nhưng e rằng, họ sẽ thất vọng và hoảng loạn khi ngày nào đó bất ngờ nhận ra mình đã quá tự tin.



Hồ Quốc Tuấn

Giảng viên Đại học Bristol, Anh











Theo stockbiz.vn