Tình trạng can thiệp leo thang của chính quyền Bắc Kinh với thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng minh nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là không hoàn toàn hợp lý.



Tình trạng rút vốn khỏi Trung Quốc từ đầu năm đến nay đang ngày càng làm tăng khả năng áp đặt lệnh kiểm soát vốn. Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng cường đầu tư ra nước ngoài nhưng điều này không là gì nếu so sánh với sự suy giảm 34% của sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải kể từ phiên 12/6.



Trong khi đó, việc mở cửa và hạn chế can thiệp vào thị trường tiền tệ là điều cần thiết để đồng Nhân dân tệ đủ điều kiện để tham gia rổ các đồng tiền dự trữ chủ chốt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hay còn gọi là SDR.



Mặc dù các ngân hàng trung ương và chính phủ trên thế giới cũng đã can thiệp để chống đỡ cho thị trường tài sản trong những năm gần đây, nhưng động thái can thiệp của Trung Quốc vào thị trường chứng khoán lại có ý nghĩa hoàn toàn khác vào thời điểm hiện nay. Hàng loạt các biện pháp đã được ban hành như tạm ngừng IPO của một số công ty, hỗ trợ các công ty môi giới để mua vào cổ phiếu, cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu trong 6 tháng khi thị trường “đỏ lửa”.



Đồng sáng lập Stephen L. Jen của Macro Partners nhận định chính quyền Bắc Kinh đang có nguy cơ mất uy tín khi họ gây thất vọng với nhà đầu tư nội địa trong việc bình ổn thị trường chứng khoán và với nhà đầu tư nước ngoài trong việc không can thiệp quá sâu vào thị trường.



Theo ông Jen, tính minh bạch và sự ổn định của thị trường là trở ngại lớn nhất với Trung Quốc trong tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ hiện nay, và với những động thái gần đây, rất khó để các định chế tài chính tin tưởng vào chính quyền Bắc Kinh.



Can thiệp quá sâu



Mặc dù Trung Quốc đã cho phép một số công ty phá sản, nhưng nước này vẫn hỗ trợ mạnh tay cho chứng khoán, làm xói mòn uy tín của thị trường nước này.



Giáo sư Victor Shih của đại học California cho rằng sự can thiệp gần đây của chính quyền Bắc Kinh sẽ tổn hại đến nỗ lực xây dựng một thị trường tài chính chuyên nghiệp với tính thanh khoản cao. Những rắc rối hiện nay là một bài kiểm tra khả năng quản lý hệ thống tài chính của các nhà hoạch định chính sách.



Kế hoạch đưa đồng Nhân dân tệ vào SDR là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm nay và được khởi xướng bởi Thống đốc Chu Tiểu Xuyên. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã cam kết sẽ tăng tốc cải cách thị trường nhằm đáp ứng các quy định của IMF.



Thật trớ trêu, trong ngày Thứ Tư đen tối (8/7) của thị trường chứng khoán, PBOC tuyên bố sẽ cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ thị trường trước xu thế bán tháo của nhà đầu tư.

Chuyên gia chiến lược Dariusz Kowalczyk của Credit Agricole nhận định khả năng tham gia SDR của đồng Nhân dân tệ ngày càng xa vời khi thị trường chứng khoán giảm mạnh khiến chính phủ phải can thiệp. Cũng theo ông Kowalczyk, động lực thúc đẩy cải cách thị trường như đã cam kết của chính quyền Bắc Kinh có thể suy giảm sau phiên bán tháo ngày 8/7.



Để có thể tham gia SDR, đồng Nhân dân tệ cần được IMF nhận định là một đồng tiền “sử dụng tự do”. Đồng Nhân dân tệ hiện đã được tự do chuyển đổi trong các giao dịch thương mại, du lịch nhưng sự lưu chuyển của các dòng vốn tại Trung Quốc vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.



Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Thượng Hải thông qua sàn Hồng Kông và nới lỏng quy định tham gia của các quỹ đầu tư quốc tế với thị trường chứng khoán cũng như trái phiếu là một bước tiến để thúc đẩy đưa Nhân dân tệ vào SDR.



Tuy nhiên, việc mở rộng quyền tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang có vẻ là điều bất lợi cho kinh tế Trung Quốc. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben S. Bernanke nói rằng việc mở cửa lưu thông các dòng vốn là một “con dao hai lưỡi”.



Thực tế đã diễn ra đúng như vậy, việc mở rộng khả năng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài khiến việc quản lý thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn với Trung Quốc. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chính quyền Bắc Kinh để mặc cho bong bóng chứng khoán đổ vỡ, nhưng nếu can thiệp quá sâu thì lại đi ngược với kế hoạch cải cách tự do hóa thị trường.



Chuyên gia kinh tế Liu Li Gang của ANZ nhận định tham vọng đưa đồng Nhân dân tệ vào SDR sẽ có ảnh hưởng tiêu cực với kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn. Vì vậy, chính phủ nước này đã có “một bước lùi” trong cải cách mở cửa thị trường.





Hoàng Nam - Theo Bloomberg












Theo stockbiz.vn