Các nền kinh tế lớn nhất của thế giới cảm nhận rõ nét hơn từ sự sụt giảm nhu cầu của kinh tế Trung Quốc (TQ).



Trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (REO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng của TQ sẽ giảm từ mức 7,4% năm 2014 xuống còn 6,8% năm 2015 và 6,3% năm 2016.



Thị trường mới nổi và các nhà cung cấp hàng hóa đang gặp khó khăn với sự sụt giảm nhu cầu từ TQ, như một sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh TQ đang phải tái cơ cấu nền kinh tế để phụ thuộc ít hơn vào cầu từ bên ngoài và phụ thuộc nhiều hơn vào cầu trong nước. 'Kinh tế TQ giảm tốc trong nhiều năm kéo theo sự suy giảm dài hạn trong nhu cầu của TQ đối với hàng nhập khẩu công nghiệp, các nhà phân tích đã viết trong một báo cáo do Ngân hàng UBS mới công bố.







Đây không phải là tin tốt cho kinh tế thế giới vốn đang ngày càng phụ thuộc vào kinh tế TQ. Theo IMF, nếu GDP của TQ giảm 1 điểm %, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á khác sẽ giảm bình quân 0,3 điểm % trong năm sau đó (và giảm 0,4 điểm % đối với các nước ASEAN-4).



Kinh tế TQ giảm tốc sẽ tác động đặc biệt mạnh đến những nước có liên hệ về chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu với cường quốc châu Á này. Số các quốc gia coi TQ là đối tác nhập khẩu lớn nhất đã tăng gấp bốn lần trong 10 năm trở lại đây, trong khi Mỹ lại giảm đi gần một nửa.



Xét kim ngạch xuất khẩu là một phần của GDP, gần như tất cả các nước trong khảo sát của UBS đều có sự gia tăng trong thương mại với TQ, một số tăng gấp đôi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Brazil, Canada, Chile, trong khi một số tăng gấp ba lần gồm Đức, EU; và một số thậm chí tăng gấp bốn lần như Úc.



Các quốc gia xuất khẩu như Nam Phi, Úc, Indonesia và Brazil sẽ chứng kiến các tác động tiêu cực từ sự suy giảm của kinh tế TQ. Các nước tái xuất khẩu - phụ thuộc vào nhu cầu thiết bị điện tử của TQ như Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam sẽ có dự báo khả quan hơn. Việt Nam và Philippines tăng thị phần và giá trị của thiết bị điện tử và dệt may xuất khẩu sang TQ. Trong khi đó, Đài Loan và Hàn Quốc tăng cường hàng hóa dành cho người tiêu dùng cuối của đại lục.







Các nhà kinh tế UBS lưu ý rằng vai trò xuất khẩu của TQ đã giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do nhu cầu của các thị trường phát triển thấp đi và xói mòn khả năng cạnh tranh ở cấp thấp và cũng như ngành thâm dụng lao động, TQ đang di chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn.



Điều đó có thể có nghĩa là nhu cầu của TQ thấp đi và cũng cạnh tranh hơn. Ông Stephane Deo, chiến lược gia Global Asset Allocatio nhận định: 'Thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Khi thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ như TQ tăng trưởng chậm lại, lượng hàng hóa được mua sẽ giảm và dĩ nhiên giá nhiều giỏ hàng hóa cũng giảm theo'. Tuy nhiên, ông Zhu Min, Giám đốc Điều hành IMF tại TQ nói: 'Lựa chọn tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn là một quá trình đúng đắn khi TQ liên tục tăng trưởng nóng suốt 3 thập niên qua'.



THỤY KHA










Theo stockbiz.vn