Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ quốc gia thả nổi đồng tiền đã giảm từ 40% năm 2008 xuống 34% năm 2014. Tại sao ngày càng có nhiều quốc gia muốn neo tỷ giá đồng tiền của mình?



Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, thị trường tiền tệ dần trở thành một điểm nóng giữa các quốc gia. Đồng tiền của một nước có giá khi thu hút các nhà đầu tư quốc tế và giảm giá khi mất đi sức hấp dẫn. Tiền tệ biến động có thể làm tổn thương những công ty thương mại đa quốc gia cũng như sự ổn định của tài chính thế giới.



Với mục đích giữ ổn định thị trường này, hơn một nửa các quốc gia trên thế giới đã neo đồng tiền của mình vào một đồng ngoại tệ khác, phần lớn là USD và Euro. Với chính sách này, nền kinh tế nước họ có thể có được sự ổn định cũng như thúc đẩy thương mại, như trường hợp của Hồng Kông kể từ năm 1983.



Tuy nhiên, không phải lúc nào kế hoạch này cũng đem lại hiệu quả. Để có thể thực hiện chính sách trên, ngân hàng trung ương phải sử dụng dự trữ ngoại hối để mua/bán tiền tệ, cạnh tranh với nhà đầu tư, nhằm bình ổn tỷ giá. Trong trường hợp áp lực lên tỷ giá quá cao, các nhà hoạch định chính sách có thể bị buộc phải từ bỏ kế hoạch trên. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng “thảm khốc.”



Bất ổn trên thị trường tiền tệ



Thụy Sĩ đã gây bất ngờ trên thị trường tiền tệ vào ngày 15/1/2015 khi loại bỏ giới hạn trần của đồng Franc với đồng Euro. Giới hạn này đã được dựng lên trước đó 3 năm, sau khi tình hình kinh tế ổn định tại Thụy Sĩ thu hút các nhà đầu tư trước bối cảnh Châu Âu khủng hoảng nợ công. Điều đó khiến Franc tăng giá, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ nước này. Tình hình cũng xảy ra tương tự tại Đan Mạch khi ngân hàng trung ương nước này phải liên tiếp cắt giảm lãi suất nhằm đảm bảo neo đồng Krone với đồng Euro.



Trong những tháng cuối năm 2014, Nga đã gặp nhiều khó khăn để ngăn chặn đà lao dốc của đồng Rúp xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 17 năm qua do giá dầu giảm mạnh và các lệnh trừng phạt từ Phương Tây. Cuối cùng, quốc gia này cũng quyết định thả nổi tiền tệ sau khi đã chi 88 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối hỗ trợ đồng nội tệ.



Đầu năm 2015, cả Ai Cập và Nigeria đều có đồng tiền bị giảm giá mạnh bất chấp những nỗ lực hỗ trợ của chính phủ 2 nước. Vào tháng 4/2015, Hồng Kông đã mua vào 6,85 tỷ USD để giữ chính sách neo tỷ giá sau khi Trung Quốc nới lỏng quy định cho phép nhà đầu tư đại lục mua cổ phiếu ở đây.



Mặc dù hầu hết các cường quốc và 19 nước trong khối đồng tiền chung Châu Âu vẫn thả nổi tiền tệ, nhưng xu hướng neo tỷ giá đang ngày càng tăng trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ quốc gia thả nổi đồng tiền đã giảm từ 40% năm 2008 xuống 34% năm 2014.





<a href='http://www.bgecv.com/2015/11/27/3a0currency-pegs3-012.png' rel='gallery' title='
Neo tỷ giá - Con dao 2 lưỡi trên thị trường tiền tệ '></a>



Điều hành tỷ giá hối đoái



Trên thế giới hiện nay, có nhiều hệ thống điều hành tỷ giá khác nhau và một số có sự ổn định hơn so với còn lại. Tại Panama và Zimbabwe, đồng USD được sử dụng hợp pháp như là đồng nội tệ thứ 2. Đối với nhiều nước khác, từ Bulgaria, Ả Rập Xê Út đến Venezuela, tỷ giá cố định được áp dụng. Trong khi đó, Singapore và Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm cho phép tỷ giá dao động trong mức giới hạn.



Mục đích của Trung Quốc khi thực hiện chính sách neo tỷ giá chủ yếu là để ngăn chặn đà tăng của đồng Nhân dân tệ, nhằm hưởng lợi khi xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây chính quyền Bắc Kinh đã nới lỏng giới hạn hối đoái của đồng nội tệ nước này. Tại Hồng Kông, chính sách neo tỷ giá hầu như không được thể hiện rõ bởi số lượng tiền mặt in ra tại đây đều được “bảo đảm” bằng đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối.



Lịch sử của chính sách neo tỷ giá có nhiều thăng trầm. Năm 1971, Tổng thống Mỹ thời đó là Richard Nixon đã gây sốc cho thị trường khi tuyên bố chấm dứt thời kỳ bản vị vàng đối với đồng USD. Tuyên bố này cũng đã kết thúc hệ thống Bretton Woods thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ 2.



Vào năm 1992, Anh phải đối mặt với một cơn bão tài chính khi các nhà đầu tư, bao gồm tỷ phú nổi tiếng George Soros, cho rằng họ không đủ khả năng giữ tỷ giá đồng Bảng Anh theo hệ thống hối đoái khu vực đồng tiền chung Châu Âu Eurozone (ERM). Ngày 16/9/1992, chính quyền Luân Đôn đã rút lui khỏi ERM và cho phép thả nổi đồng Bảng Anh.



Chính sách neo tỷ giá



Biện pháp neo tỷ giá khiến ngân hàng trung ương bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ và tài khóa của nước khác, dẫn đến việc phải thay đổi lãi suất theo cho phù hợp với tình hình quốc gia đó. Ngoài ra, chính sách này có ít sự tự do cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thực hiện mục tiêu trên thị trường nội địa, như tạo công ăn việc làm hay duy trì giá cả hàng hóa. Ví dụ như tại Hồng Kông, chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ đã gia tăng lạm phát và giá nhà tại đây.



Ở chiều hướng tích cực, các công ty và nhà đầu tư sẽ dễ dàng dự đoán trước xu thế của thị trường hơn. Bên cạnh đó, việc giới hạn các nhà hoạch định chính sách cũng có thể khiến chính phủ chi tiêu ngân sách “kỷ luật” hơn. Để có thể thực hiện chính sách neo tỷ giá có hiệu quả, chính phủ cần thiết lập kế hoạch một cách thận trọng và thực hiện đồng bộ cùng các biện pháp khác.



Vì không có sự tái điều chỉnh cân bằng từ thị trường nên tỷ giá neo vào ngoại tệ có thể dễ dàng có sự chênh lệch với thị trường. Khi điều đó xảy ra, đất nước có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm hoặc dễ dàng bị “tấn công bằng kinh tế.” Do đó, những quốc gia như Trung Quốc, Ai Cập và Venezuela có chính sách kiểm soát số lượng ngoại hối hoặc có những quy định yêu cầu ngân hàng quy đổi theo tỷ giá chính thức của nhà nước.



Hoàng Nam










Theo stockbiz.vn