Sự lên giá của USD đang phân bố lại đà tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Việc giá USD lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua đang làm giảm tính cạnh tranh của Mỹ và các nền kinh tế có tỷ giá gắn với USD, trong đó có Trung Quốc.



USD mạnh lên cũng làm giảm giá thương phẩm, khiến các nước xuất khẩu như Brazil bị ảnh hưởng, đồng thời đe doạ các nền kinh tế mới nổi bởi doanh nghiệp nơi đây từng vay nhiều USD khi giá thấp, theo Bloomberg.



Ngược lại, khu vực sử dụng EURO và Nhật Bản đang được hưởng lợi. Tương tự, Ấn Độ cũng có thuận lợi do nhập khẩu năng lượng với giá thấp hơn. “USD tăng giá khiến thế giới bị chia thành kẻ được người mất”, kinh tế trưởng Peter Hooper tại Công ty Chứng khoán Deutsche Bank tại New York nói.



Chỉ số USD, vốn được sử dụng để theo dõi diễn biến của đồng tiền này so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng khoảng 25% kể từ tháng 6 năm ngoái đến nay. Hiện giới đầu tư tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ sẽ vượt qua các đối tác thương mại của nước này và FED sẽ sớm nâng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức thấp.



Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cũng nhận định sự biến động của USD là một yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu, bởi nó khiến kẻ này chịu thiệt và người kia hưởng lợi.



Các nhà đầu tư hiện đã cân đối lại danh mục đầu tư. Chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 21% từ đầu năm đến nay do các nhà đầu tư tin rằng kinh tế châu Âu sẽ tiến triển.



Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor’s 500 lại giảm tốc và chỉ tăng 2,1%, bởi hơn 40% doanh số của các công ty hợp thành chỉ số này là ở nước ngoài. Công ty chuyên sản xuất hạt giống Monsanto và hãng bán lẻ nữ trang Tiffany & Co đều nhận định USD lên giá sẽ khiến lợi nhuận của họ bị sụt giảm.



Các nhà tạo lập chính sách tại Mỹ cũng đang phải điều chỉnh. Chủ tịch FED Janet Yellen và các cộng sự đã lưu tâm về việc USD lên giá tạo áp lực như thế nào lên kinh tế Mỹ, trong bối cảnh họ cần tính toán thời điểm nâng lãi suất.



Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đều đang lờ đi việc đồng nội tệ lao dốc so với USD, bởi họ hy vọng bằng cách này, có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đạt mức lạm phát cần thiết. Tại Ấn Độ, ngân hàng trung ương cũng đã hạ lãi suất hai lần từ đầu năm đến nay.



Nhìn chung, USD tăng giá có thể có lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hai đợt USD tăng giá kéo dài trước đây - vào đầu thập kỷ 1980 và cuối thập kỷ 1990 - đều gây ra bất ổn.



Năm 1985, Mỹ và các đồng minh đã phải tìm cách kéo giá USD xuống sau khi đồng tiền này tăng giá mạnh khiến chủ nghĩa bảo hộ tại châu Mỹ bùng nổ. Cuối những năm 1990, sự tăng giá của USD dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó các nền kinh tế Thái Lan, Hàn Quốc, Nga và Brazil chịu thiệt hại nặng nề nhất.



Hiện mức độ tăng giá của USD chưa lớn như hai đợt trước, song các nhà kinh tế tại Deutsche Bank dự báo nó đã đủ lớn để khiến xuất khẩu sụt giảm và làm tăng trưởng sản lượng hàng năm của Mỹ giảm 0,75 điểm phần trăm.



USD tăng giá là tin tốt lành với ECB và BOJ, bởi hai cơ quan này có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền, kích cầu và doanh nghiệp có thể nâng giá hàng hoá xuất khẩu.



Tại khu vực sử dụng EURO, việc đồng tiền này giảm giá có thể giúp kinh tế toàn khối tăng 0,3 điểm phần trăm trong năm nay và 0,5 điểm phần trăm trong năm tới.



Với Nhật Bản, Deutsche Bank ước tính đồng Yên giảm giá 10% giúp tăng trưởng kinh tế nhích thêm 0,2 điểm phần trăm trong vòng hai năm. Điều đó có nghĩa đồng Yên giảm giá 30% từ năm 2012 đến nay có thể giúp đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới ra khỏi giảm phát.



Với các nền kinh tế mới nổi, USD lên giá là tin xấu, bởi giá thương phẩm các nước này xuất khẩu, vốn được định giá bằng USD, sẽ giảm. Dòng tiền mà các nước này rất cần để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai cũng sẽ ít đi, và vì thế lãi suất có thể sẽ tăng.



USD tăng giá có thể khiến tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong đó Malaysia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Venezuela sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo nhà kinh tế Adam Slater tại Oxford Economics Ltd., Anh.



Tại Trung Quốc, việc đồng nhân dân tệ lên giá có thể hỗ trợ nền kinh tế này chuyển đổi sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng hơn là dựa vào đầu tư như hiện nay. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ tăng giá đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại sẽ càng bị ảnh hưởng.



DIỆU MINH










Theo stockbiz.vn