Trong phiên giao dịch 8/4, tại thị trường châu Á, đồng USD giảm giá so với đồng yen trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định chưa đưa ra thêm bất cứ biện pháp nới lỏng tiền tệ nào nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.



Cụ thể trong phiên chiều 8/4, đồng bạc xanh được giao dịch ở mức 119,91 yen/USD ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra quyết định không tiến hành thêm bất cứ biện pháp nới lỏng tiền tệ nào sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, thấp hơn so với mức 120,32 yen/USD trong phiên giao dịch trước đó tại New York.



Trong khi đó, đồng tiền chung châu Âu lại tăng giá so với đồng nội tệ Nhật Bản khi được giao dịch ở mức 130,29 yen/euro, cao hơn con số 130,11 yen/euro ghi nhận trong phiên trước đó tại New York.



Trong phiên này, euro tăng giá so với USD, 1 euro đổi được 1,0863 USD, so với mức 1,0813 USD trong phiên trước.



Giới chuyên gia kinh tế cho rằng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda sớm hay muộn gì cũng sẽ phải tiến hành các biện pháp nới lỏng tiền tệ nếu muốn tiến gần hơn tới cái “đích” 2% lạm phát.



Raiko Shareef, chiến lược gia thị trường thuộc Ngân hàng New Zealand có trụ sở tại Wellington, cho biết nếu muốn đưa ra các chính sách nới lỏng tiền tệ ông Kuroda cũng sẽ phải chờ tới ngày 30/4 tới, khi đã có được các dự báo kinh tế mới được cập nhật.



Giới chuyên gia kinh tế và doanh nhân Nhật Bản đã bắt đầu quan ngại về “sức khỏe” nền kinh tế “xứ sở hoa anh đào” khi tính hiệu quả của gói kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đã giảm dần còn sản lượng công nghiệp cũng thụt lùi.



Báo cáo Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố hồi tuần trước cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp lớn Nhật Bản không có sự tiến triển.



Khép lại phiên này, USD lên giá so với hầu hết các đồng nội tệ khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.



KIM DUNG










Theo stockbiz.vn