Người Nhật Bản đang cất giữ 300 tỷ USD trong nhà và số tiền này có thể sẽ tiếp tục nằm nguyên chỗ cũ, trừ phi xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn - hãng tin CNBC dẫn lời một chuyên gia.



“Số tiền trên đã nằm một chỗ quá lâu. Rất khó để biết điều gì có thể khiến người Nhật đem số tiền này ra tiêu”, chuyên gia kinh tế trưởng Yasunori Ueno của công ty chứng khoán Mizuho Securities phát biểu.



Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Taro Aso đã thu hút sự chú ý của dư luận khi tuyên bố người Nhật đang “ngồi trên” 880 tỷ Yên, tương đương 7,33 nghìn tỷ USD, tiền mặt. Báo chí Nhật khi đó đưa tin nói rằng người dân nước này đang cất giữ số tiền này “dưới đệm”.



Tuy vậy, theo chuyên gia Ueno, con số mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật đưa ra là dựa trên số tiền mà người Nhật gửi ngân hàng trong nước, thay vì số tiền họ cất giữ tại nhà riêng. Theo ước tính của ông Ueno, lượng tiền mặt mà các hộ gia đình Nhật đang cất giữ tại nhà là khoảng 36 nghìn tỷ Yên, tương đương 301 tỷ USD.



“Số tiền này giống như một tảng băng không chịu tan, chỉ nằm bất động ở đó”, chuyên gia kinh tế trưởng Hideo Kumano thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life (DLRI) phát biểu.



Ở nhiều quốc gia, giữ tiền mặt ở nhà đồng nghĩa với nền kinh tế ngầm, nhưng người Nhật lại có những lý do chính đáng để làm vậy.



“Trong bối cảnh giảm phát, tiền mặt là vua”, chuyên gia Kumano phát biểu. Tuy vậy, ông Kumano cũng nói rằng, một phần số tiền mà người Nhật đang giấu ở nhà có thể nhằm mục đích trốn thuế.



Gửi tiền vào ngân hàng ở Nhật hiện nay không đem lại tiền lãi. Thậm chí một tài khoản tiết kiệm 10 năm chỉ cho mức lãi suất 0,1-0,15%, tức là cứ 10.000 USD mới nhận được 1 USD tiền lãi.



“Tại sao lại phải gửi tiền ngân hàng nếu như không có lãi. Đem tiền đi gửi chỉ mất công”, ông Kumano phát biểu.



Chuyên gia Ueno cho biết, làn sóng nắm giữ tiền mặt đầu tiên ở Nhật Bản diễn ra sau đợt vỡ bong bóng tài sản vào thập niên 1990 và Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) bãi bỏ một phần chính sách bảo lãnh tiền gửi. Theo chuyên gia này, đã có khoảng 24,5 nghìn tỷ Yên tiền mặt nằm ngoài “radar” của nền kinh tế chính thức trong thời gian từ 1993-2003.



Giới phân tích cho rằng, chỉ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn - chẳng hạn siêu lạm phát và các dòng vốn ồ ạt chảy khỏi Nhật khiến đồng Yên mất giá mạnh - thì các hộ gia đình Nhật mới có thể dừng nắm giữ tiền mặt.



“Nếu đồng Yên mất giá mỗi năm 20% so với đồng USD, chẳng hạn đến mức 200 Yên mới đổi được 1 USD, thì mọi người sẽ lo ngại về việc giữ Yên, và họ sẽ tới ngân hàng để chuyển tiền ra nước ngoài”, ông Ueno phát biểu. Tỷ giá đồng Yên hiện ở mức hơn 120 Yên tương đương 1 USD.



Cách đơn giản nhất để giải quyết tình trạng vốn “chết” trong các hộ gia đình Nhật là tăng lãi suất. Nhưng nếu làm vậy, Chính phủ Nhật sẽ mất khả năng trả lãi nợ công.



Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nợ công của Nhật sẽ lên tới 232,5% GDP trong năm nay, so với tỷ lên 188% của Hy Lạp - tâm “bão nợ công” châu Âu. Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất thế giới.



Diệp Vũ










Theo stockbiz.vn