Chỉ còn chưa đầy hai ngày, việc đăng ký trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng sẽ kết thúc, báo Wall Street Journal tiết lộ danh sách 42 nước chính thức đăng ký tham gia AIIB, trong đó có các đồng minh lớn của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc.



42 nước nói trên gồm: Trung Quốc, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Maldives, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zealand, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Ả-rập Saudi, Singapore, Sri Lanka, Tajikistan, Thái Lan, Uzbekistan, Việt Nam, Anh, Ý, Đức, Pháp, Luxembourg, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Hàn Quốc, Brazil, Nga, Úc, Hà Lan, Georgia và Đan Mạch.



Ngày 28-3, AIIB chào đón thêm sáu đối tác đăng ký tham gia gồm: Brazil, Nga, Úc, Hà Lan, Georgia, Đan Mạch.



Tại hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2015 diễn ra tại tỉnh đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc, ngày 28-3, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định Nga sẽ tham gia AIIB.



Cùng ngày, một đồng minh lớn của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Úc cũng tuyên bố gia nhập AIIB. Tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2015, Bộ trưởng Tài chính Úc Matthias Coleman nói: 'AIIB và Ngân hàng phát triển của nhóm BRICS là những lực lượng mới trong cục diện tài chính đa phương, Úc đã quyết định trở thành thành viên sáng lập của AIIB”.



Việc Úc đăng ký tham gia AIIB diễn ra sớm hơn dự kiến. Ông Coleman cho biết: 'Chúng tôi rất hào hứng tham gia AIIB, quan hệ Mỹ-Úc sẽ không gây trở ngại cho quan hệ Trung-Úc, có lợi cho nhân dân hai nước'.



Sáng ngày 29-3, Thủ tướng Úc Tony Abbott thông báo đã ký bản ghi nhớ (MoU) về AIIB, văn kiện sẽ cho phép Úc trở thành một trong những thành viên sáng lập AIIB.



Ngày 28-3, Hà Lan, Brazil, Georgia và Đan Mạch cũng đăng ký gia nhập AIIB – theo xác nhận của Bộ Tài chính Trung Quốc.



Đan Mạch trở thành quốc gia Bắc Âu đầu tiên đăng ký làm thành viên sáng lập của AIIB. Đại sứ Đan Mạch tại Trung Quốc Friis Arne Petersen cho biết: 'Chúng tôi rất vui mừng thực hiện quyết định trên trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp Đan Mạch-Trung Quốc, việc gia nhập AIIB là một điều bình thường'.



Tháng 10-2014, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc và 20 nước đã ký bản ghi nhớ tuyên bố sẽ thành lập AIIB nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 31-3 này sẽ là thời hạn chót cho tất cả các nước đăng ký trở thành thành viên sáng lập của AIIB.



Cho đến nay, trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, chỉ có Mỹ không tham gia AIIB. Trong các nước G7 đã có 4 nước tuyên bố tham gia AIIB, trong khi Canada đang xem xét gia nhập AIIB - theo Bloomberg.



Nhật Bản vẫn thận trọng về việc đăng ký trở thành thành viên sáng lập của AIIB. Sau cuộc họp nội các ngày 27-3, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói với các phóng viên rằng Nhật Bản giữ thái độ thận trọng về việc có nên tham gia AIIB hay không vì cơ cấu quản trị của AIIB vẫn không rõ ràng. Ông Aso cũng cho biết Nhật Bản sẽ trao đổi thêm với Mỹ về vấn đề AIIB.



Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc cần tích cực thúc đẩy việc xây dựng các hệ thống hợp tác tài chính khu vực, để xây dựng nền tảng hợp tác trao đổi của các tổ chức tài chính, thúc đẩy AIIB cùng với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính đa phương khác cùng phối hợp phát triển.



Phúc Minh








Theo stockbiz.vn