Sau phiên hồi nhẹ phiên thứ Năm, đồng USD đã giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, qua đó kích thích các thị trường chứng khoán, vàng và dầu đồng loạt khởi sắc và tất cả đều có tuần giao dịch như mơ.



Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên điều chỉnh hôm thứ Năm. Phố Wall tăng nhờ đồng USD hạ nhiệt trở lại trong phiên cuối tuần, cũng như sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tăng mạnh trở lại.



Với những phiên thăng hoa sau tuyên bố của Cụ dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa tăng lãi suất trong tháng 6 giúp phố Wall có tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp. Chỉ số S&P 500 lấy lại được mốc 2.100 và chỉ còn cách đỉnh cao lịch sử 10 điểm, Nasdaq cũng lấy lại được mốc 5.000 và cách mức kỷ lục 22 điểm.



Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones tăng 168,82 điểm (+0,94%), lên 18.127,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,83 điểm (+0,90%), lên 2.108,10 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 34,04 điểm (+0,68%), lên 5.026,42 điểm.



Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,13%, chỉ số S&P 500 tăng 2,66%, chỉ số Nasdaq tăng 3,17%.



Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2007. Chứng khoán châu Âu tăng mạnh khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đảm bảo với Liên minh châu Âu sẽ cải cách kinh tế sớm để nhận được gói cứu trợ, nhằm tránh tình trạng phá sản. Ngoài ra, đồng euro giảm mạnh thời gian gần đây cũng được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp châu Âu, cũng như nền kinh tế của khu vực.



Kết thúc phiên 20/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 60,19 điểm (+0,86%), lên 7.022,51 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 139,97 điểm (+1,18%), lên 12.039,37 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 50,31 điểm (+1,00%), lên 5.087,49 điểm.



Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 4,18%, chỉ số DAX tăng 1,16%, chỉ số CAC 40 tăng 1,54%.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại và lên mức cao nhất hơn 15 năm trong phiên cuối tuần. Trong tuần, chỉ số này cũng có mức tăng tốt gần 1,6% nhờ những kỳ vọng vào nền kinh tế trong nước, cũng như kế hoạch tăng lương, tăng cổ tức của các tập đoàn lớn. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên khởi sắc hôm thứ Năm, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh, lên mức cao nhất 7 năm với kỳ vọng về khả năng tung gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.



Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 83,66 điểm (+0,43%), lên 19.560,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 93,65 điểm (-0,38%), xuống 24.375,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 35,05 điểm (+0,98%), lên 3.617,32 điểm.



Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,59%, chỉ số Hang Seng tăng 2,32%, chỉ số Shanghai Composite tăng 7,25%.



Sau khi hồi nhẹ trong phiên thứ Năm, đồng USD lại giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần. Đồng USD đã tăng hơn 20% kể từ giữa năm 2014 khi dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan hơn so với phần còn lại của thế giới, cũng như nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất sớm trong năm nay. Tuy nhiên, sau khi Fed công bố chưa tăng lãi suất trong cuộc họp kết thúc vào ngày 18/3 vừa qua, đồng USD đã có phiên giảm mạnh nhất hơn 6 năm trong phiên thứ Tư và sau khi hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm, đã giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.



Trong phiên cuối tuần, chỉ số đồng USD so với rổ tiền tệ giảm 1,37%, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ tháng 9/2013. Trong tuần, đồng bạc xanh cũng có mức giảm lớn nhất so với đồng euro kể từ năm 2011.



Việc đồng USD giảm mạnh tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tăng vọt trở lại trong phiên cuối tuần, cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp sau tuyên bố của Fed. Với 3 phiên tăng mạnh cuối tuần, vàng đã chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp của mình.



Kết thúc phiên 20/3, giá vàng giao ngay tăng 11,4 USD (+0,97%), lên 1.182,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 12,7 USD/ounce (+1,09%), lên 1.181,7 USD/ounce.



Trong tuần, giá vàng tương lai tăng 2,23%, giá vàng giao tháng 4 tăng 2,01%.



Tuần tới, với các dữ liệu kinh tế ít được phát hành, các nhà phân tích đang mong đợi vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ đồng USD. Hầu hết các nhà phân tích hàng hóa cho rằng, các kim loại màu như vàng sẽ tiếp tục tăng, khi giới đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận đồng USD và chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác.



Colin Cieszynski, nhà phân tích thị trường cao cấp tại CMC Markets nói rằng, vàng có thể lên tới 1.200 USD/ounce vào tuần tới, nhưng nó có thể không có đủ động lực để phá vỡ ngưỡng cản tâm lý quan trọng này.



'USD đã tăng lên mức cao kỷ lục, vì vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ chứng kiến nó điều chỉnh giảm trở lại, đó sẽ là tin tích cực cho vàng”, Cieszynski nói.



Trong khi đó, Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược hàng hóa của Saxo Bank nhận định, vàng sẽ bị thử thách tại ngưỡng cản 1.190 USD/ounce vào tuần tới và ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.150 USD/ounce. Ông cũng cho rằng, sự điều chỉnh trong dài hạn của đồng USD sẽ có tác động lớn nhất lên giá vàng.



'Vẫn còn quá sớm để nói rằng đây là sự bắt đầu của xu hướng tăng mới của giá vàng. Một sự bứt phá qua ngưỡng 1.193 USD sẽ xác nhận rằng, ngưỡng 1.140 USD trở thành ngưỡng hỗ trợ vững chắc'.



Việc đồng USD giảm mạnh không những chỉ hỗ trợ cho chứng khoán và vàng, mà dầu thô cũng được hưởng lợi. Trong phiên cuối tuần, giá dầu thô Mỹ tăng gần 4% và dầu thô Brent tăng hơn 1,6%. Với việc dầu thô Mỹ tăng mạnh hơn nhiều so với dầu thô Brent, nên chênh lệch giữa giá 2 loại dầu tiêu chuẩn này giảm xuống còn hơn 9 USD/thùng, từ mức 11 USD/thùng của tuần trước.



Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,76 USD/thùng (+3,85%), lên 45,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,89 USD (+1,61%), lên 55,32 USD/thùng.



Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,96%, tuần tăng giá đầu tiên kể từ đầu năm của loại dầu thô này, trong khi đó, giá dầu thô Brent tăng 1,19%, chấm dứt 2 tuần giảm liên tiếp.












Theo stockbiz.vn