Đồng USD lại tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, bất chấp các dữ liệu kinh tế mới công bố của Mỹ không khả qua khiến phố Wall giảm trở lại. Trong khi đó, sau những nỗ lực bắt đáy kỹ thuật của giới đầu tư, vàng cũng đã chấm dứt chuỗi giảm liên tiếp của mình ở con số 9.



Sau phiên hồi phục mạnh hôm thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, phố Wall bước vào phiên giao dịch cuối tuần lại nhận được những thông tin không mấy tích cực.



Đồng USD sau khi có dấu hiệu chững lại trong phiên thứ Năm, đã tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, bất chấp các dữ liệu vừa công bố của Mỹ không mấy khả quan. Đồng bạc xanh lại leo lên ngưỡng cao nhất 12 năm so với đồng euro và đang trên đà tiền tới bằng với đồng tiền chung châu Âu. Phiên tăng mạnh cuối tuần cũng chính thức giúp đồng USD có tuần thứ 4 tăng giá liên tiếp. Điều này làm ảnh hưởng tới các công ty đa quốc gia của Mỹ. Giới đầu tư đang hướng vào cuộc họp chính sách của Fed trong tuần tới để xem liệu có quyết định đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008 hay không.



'Đồng USD tăng mạnh và tiếp tục tiến sát ngang bằng với đồng euro trước cuộc họp của Fed vào tuần tới và khiến chứng khoán giảm', Michael James, Giám đốc quản lý giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities tại Los Angeles cho biết. 'Ngay bây giờ, hầu hết mọi người đang dự đoán một tăng lãi suất vào tháng 6 và thị trường chứng khoán không phải là dễ hấp thụ điều đó'.



Ngoài đồng USD mạnh, phố Wall cũng chịu tác động của việc giá dầu lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần. Một lần nữa lo ngại dư thừa nguồn cung lại đe dọa đến giá loại nhiên liệu này, dù trước đó, tưởng chừng giá dầu đã tìm thấy đáy.



Ngoài ra, dữ liệu vừa được Trường Đại học Michigan công bố cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 3 giảm hơn kỳ vọng.



Với liên tiếp các tin không tích cực bủa vây, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần và tiếp tục có tuần giảm điểm.



Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones giảm 145,91 điểm (-0,82%), xuống 17.749,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,55 điểm (-0,61%), xuống 2.053,54 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 21,53 điểm (-0,44%), xuống 4.871,76 điểm.



Trong khi đồng USD tăng mạnh tác động tiêu cực lên phố Wall, thì việc đồng euro giảm giúp giới đầu tư kỳ vọng sẽ đem lại kết quả kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp của khu vực này và qua đó thúc đẩy kinh tế của châu Âu phát triển trở lại. Kỳ vọng này đã giúp chứng khoán châu Âu hồi lại trong phiên cuối tuần và ngoại trừ chứng khoán Anh, chứng khoán các thị trường chính còn lại đều tăng điểm tốt trong phiên cuối tuần và cả tuần, nhất là chứng khoán Đức.



Kết thúc phiên 13/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,49 điểm (-0,30%), xuống 6.740,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,22 điểm (+0,87%), lên 11.901,61 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,13 điểm (+0,46%), lên 5.010,46 điểm.



Trong tuần, chỉ số FTSE100 của Anh giảm 2,48%, trong khi chỉ số DAX tăng 3,04%, đánh dấu tuần tăng thứ 9 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong 17 năm của chỉ số này và tính từ đầu năm, chứng khoán Đức đã tăng 21%. Tương tự, chỉ số CAC 40 tại Pháp cũng có mức tăng nhẹ 0,93% trong tuần và đóng cửa phiên cuối tuần trên mốc 5.000 điểm lần đầu tiên kể từ giữa năm 2008.



Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng có phiên cuối tuần khởi sắc với chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 15 năm và có tuần tăng thứ 5 liên tiếp nhờ đồng yên giảm so với đồng USD và thông tin tăng cổ tức, mua lại cổ phiếu của Fanuc Corp, nhà sản xuất robot công nghiệp.



Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng tăng điểm trong phiên cuối tuần sau những phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Zhou Xiaochuan với gợi mở rằng Chính phủ sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.



Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 263,14 điểm (+1,39%), lên 19.254,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 25,25 điểm (+0,11%), lên 23.823,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 23,59 điểm (+0,70%), lên 3.372,91 điểm.



Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,49%, chỉ số Hang Seng giảm 1,41%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng tới 4,06%.



Trên thị trường vàng, cuối cùng, chuỗi giảm giá liên tiếp của vàng cũng được chặn lại ở con số 9 khi trong phiên cuối tuần, giá đã hồi phục trở lại.



Tuần tới, mọi con mắt của giới đầu tư cả trên thị trường chứng khoán và vàng đều dồn về cuộc họp của Fed với những dự đoán rằng, cơ quan này sẽ quyết định tăng lãi suất từ tháng 6.



Kết thúc phiên 13/3, giá vàng giao ngay tăng 5,9 USD (+0,51%), lên 1.158,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 6,5 USD/ounce (+0,56%), lên 1.158,4 USD/ounce.



Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,04%, còn giá vàng giao tháng 4 giảm 0,84%.



Dầu thô tiếp tục lao dốc trong phiên cuối tuần khi Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết, nguy cơ dư thừa nguồn cung khi tình hình sản xuất tại Mỹ không có dấu hiệu chậm lại.



Kết thúc phiên 13/3, giá dầu thô Mỹ giảm 2,21 USD/thùng (-4,93%), xuống 44,84 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,41 USD (-4,41%), xuống 54,67 USD/thùng.



Dầu đã có 6 phiên giảm trong 7 phiên giao dịch gần nhất và trong tuần, giá dầu giảm rất mạnh với mức giảm 9,89% của dầu thô tiêu chuẩn Mỹ và lên tới mức 12,64% với dầu thô Bent. So với mức đỉnh hồi tháng 6/2014, giá dầu thô đã mất tới 60%.










Theo stockbiz.vn