Nỗi lo Fed sẽ tăng lãi suất sớm trong năm nay chưa qua, giới đầu tư lại đang đối mặt với những nỗi lo mới về vấn đề nợ cuả Hy Lạp, tình hình kinh tế kém khả quan của Trung Quốc và tình hình chiến sự phức tạp tại miền Đông Ukraine.



Thị trường chứng khoán toàn cầu bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới đón nhận một số thông tin không tích cực.



Tại châu Âu, cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và các chủ nợ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, thậm chí còn có khả năng rơi vào bế tắc. Phát biểu trước Quốc hội hôm Chủ nhật, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bác bỏ bất thỏa thuận mở rộng gói cứu trợ quốc tế và tuyên bố từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng.



Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vào thứ Hai phát biểu rằng, người Hy Lạp không nên kỳ vọng khu vực đồng euro chấp nhận các điều khoản mới nhất của họ. Các tuyên bố này càng làm cho nguy cơ Athena rời xa Brussels và khiến giới đầu tư có lý do để lo lắng.



Trong khi đó, ở Trung Quốc, dữ liệu vừa công bố cho thấy, xuất khẩu trong tháng 1/2015 của nước này giảm 3,3% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm tới 19,9%, mức tồi tệ hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này cho thấy sức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc đang giảm sút, bất chấp nước này đang bước vào nhịp Tết cổ truyền, là mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Dữ liệu này sẽ có tác động không tích cực tới các nền kinh tế khác trên thế giới, nhất là những nước xuất khẩu lớn vào Trung Quốc.



Ngoài 2 thông tin tích cực từ bên ngoài, nhà đầu tư trên phố Wall còn lo lắng về khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào giữa năm nay, khi dữ liệu về thị trường lao động được công bố vào cuối tuần trước rất khả quan.



Chính lo lắng này khiến cho 9/10 chỉ số ngành của S&P giảm điểm, chỉ còn mỗi nhóm năng lượng có được mức tăng nhờ tác động của giá dầu tiếp tục hồi phục, bất chấp kết quả kinh doanh khả quan được công bố.



Theo số liệu của Thomson Reuters, trong số 328 công ty của S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, 72,6% doanh nghiệp có lợi nhuận đạt hoặc vượt kỳ vọng, cao hơn mức trung bình 69% của 4 quý gần nhất.



Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Dow Jones giảm 95,08 điểm (-0,53%), xuống 17.729,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,73 điểm (-0,42%), xuống 2.046,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,39 điểm (-0,39%), xuống 4.726,01 điểm.



Giống như phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng chịu tác động tiêu cực từ thông tin về tình hình Hy Lạp và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Ngoài ra, tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine cũng khiến giới đầu tư châu Âu lo lắng. Cuộc khủng hoảng Ukaine châm ngòi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, khiến cho kinh tế Nga tổn thất lớn. Không chỉ Nga, trong số các nền kinh tế châu Âu, thì Đức chịu ảnh hưởng nặng nhất, vì Đức là nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp cũng như các hoạt động trao đổi với kinh tế Nga.



Trong phiên đầu tuần, chỉ số DAX của Đức giảm mạnh nhất khi mất gần 1,7%, bất chấp dữ liệu xuất nhập khẩu khả quan của nước này vừa được công bố.



Kết thúc phiên 9/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,29 điểm (-0,24%), xuống 6.837,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 182,88 điểm (-1,69%), xuống 10.663,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 52,22 điểm (-1,11%), xuống 4.651,08 điểm.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ trong phiên đầu tuần khi đồng yên giảm so với đồng USD sau dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ được công bố cuối tuần trước. Trong khi chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên, bất chấp dữ liệu kém khả quan, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn có phiên hồi trở lại trong ngày giao dịch đầu tuần mới sau tuần giảm mạnh trước đó.



Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 63,43 điểm (+0,36%), lên 17.711,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 158,39 điểm (-0,64%), xuống 24.521,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 19,22,62 điểm (+0,62%), lên 3.095,12 điểm.



Sau phiên lao dốc mạnh cuối tuần trước, vàng nhận được một số thông tin hỗ trợ từ kinh tế Trung Quốc, vấn đề nợ của Hy Lạp để đi lên và tình hính chiến sự tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, nỗi lo về việc Fed tăng lãi suất vẫn còn đó, nên đà hồi phục của vàng không mạnh, mà gần như chỉ lình xình dưới mức 1.240 USD/ounce.



Kết thúc phiên 9/2, giá vàng giao ngay tăng 5,4 USD (+0,44%), lên 1.238,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 6,9 USD/ounce (+0,56%), lên 1.241,5 USD/ounce.



Trong khi đó, trên thị trường dầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa tăng dự báo nhu cầu về dầu của thế giới trong báo cáo mới nhất. Thông tin này giúp giá dầu có phiên tăng thứ 3 liên tiếp.



Kết thúc phiên 9/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,17 USD/thùng (+2,21%), lên 52,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,54 USD (+0,93%), lên 58,34 USD/thùng.



T.Lê










Theo stockbiz.vn