Ngày 9/2, Kyodo dẫn số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho biết trong năm 2014, thặng dư thương mại của nước này giảm 18,8% so với năm 2013 xuống còn 2.630 tỷ Yen (tương đương 22 tỷ USD), và là mức thấp nhất kể từ năm 1985 do thâm hụt thương mại tăng kỷ lục (10.370 tỷ Yen) trong bối cảnh nhu cầu nhập khí ga tăng và đồng Yen giảm.



Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Nhật bản trong năm 2014 tăng 9,3% so với năm 2013 lên 74.120 tỷ Yen, trong khi nhập khẩu tăng 10,3% lên mức 84.490 tỷ Yen. Thặng dư lợi nhuận thu được từ đầu tư ở nước ngoài tăng 9,7% lên mức kỷ lục 18.000 tỷ Yen, và chỉ tính riêng trong tháng 12, Nhật Bản đã thặng dư thương mại 6 tháng liên tiếp và duy trì cân bằng ở mức 187 tỷ Yen.



Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, thâm hụt trong lĩnh vực dịch vụ bao gồm vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa ở mức 3.000 tỷ Yen, trong khi thâm hụt trong cán cân du lịch là 125 tỷ Yen do lượng khách đến Nhật tăng 29,4%, đạt mức kỷ lục mới với 13,4 triệu lượt người so với năm trước.



Các chuyên gia phân tích nhận định cán cân thương mại của Nhật Bản có khả năng sẽ được cải thiện trong thời gian tới, một phần do chi phí cho nhập khẩu năng lượng của nước này giảm trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc.



Đồng yên trượt giá cũng giúp xuất khẩu tăng do hàng hoá Nhật Bản trở nên rẻ hơn ở nước ngoài, song hiện tại sẽ góp phần làm tăng thâm hụt thương mại do kim ngạch nhập khẩu vẫn lớn hơn xuất khẩu.



Trong khi đó, chi phí cho nhập khẩu nhiên liệu luôn là gánh nặng đối với nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt sau khi xảy ra thảm hoạ kép động đất - sóng thần Fukushima năm 2011, buộc nước này phải tạm đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, gây thiếu nguồn cung năng lượng trong nước. Giá đồng Yen so với đồng USD và EUR trong năm 2014 giảm lần lượt 8,3% và 8,2%.



Thặng dư thương mại (xuất siêu) là một trong những chỉ số đánh giá sự phát triển và khả năng sinh lời của một nền kinh tế, thể hiện sự vượt trội của kim ngạch xuất khẩu so với nhập khẩu./.
















Theo stockbiz.vn