Trong báo cáo công bố ngày 2/2, ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) nhận định chính sách tiền tệ của các nước châu Á trong năm nay sẽ được nới lỏng hơn và lạm phát giảm mạnh vẫn là xu hướng của năm.



Credit Suisse nhấn mạnh tăng trưởng trong khu vực sẽ vẫn ảm đạm trong nửa đầu năm 2015, trước khi có dấu hiệu nhích lên vào nửa cuối năm. Cùng với đó, việc giá dầu liên tục giảm sẽ khiến lạm phát của một vài quốc gia trong khu vực giảm mạnh.



Credit Suisse dự báo lạm phát tại Singapore năm 2014 ở mức 0,1%, thấp hơn so với dự kiến ban đầu là 0,8%.



Mặt khác, chính sách nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giúp giảm nguy cơ dịch chuyển các dòng vốn trong thời gian tới, tạo điều kiện để các quốc gia châu Á cắt giảm lãi suất.



Với tỷ lệ lạm phát thấp hơn đáng kể, Credit Suisse cho rằng nhiều ngân hàng trung ương châu Á sẽ có nhiều 'đất' hơn để cắt giảm lãi suất hoặc ít nhất là tạm dừng chu trình đi ngang, tức là không điều chỉnh.



Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế đến từ OCBC, ông Wellian Wiranto, lại cho rằng mặc dù các ngân hàng trung ương châu Á đã có cơ sở cho việc thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, mà sự hậu thuẫn chủ yếu đến từ việc giá dầu giảm mạnh khiến lạm phát giảm, nhưng không phải tất cả đều có đủ khả năng để tham gia vào cuộc chơi này.



Ông Wellian Wiranto dẫn giải rằng chính những hạn chế riêng của từng nền kinh tế như sự yếu kém của đồng ringgit ở Malaysia trong thời gian gần đây, các vấn đề nợ của hộ gia đình tăng lên ở Hàn Quốc, và thâm hụt tài khoản vãng lai ở Indonesia cho thấy khó có thể có sự đồng nhất về chính sách tiền tệ trong khu vực.



Về chính sách tài khóa, các chuyên gia dự báo tình trạng thâm hụt ngân sách sẽ được thu hẹp ở hầu hết các nước trong khu vực, trừ Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Một số chính phủ (bao gồm cả Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan) đã tận dụng cơ hội giá dầu giảm để tăng cường vị thế tài chính của mình./.



Mỹ Bình










Theo stockbiz.vn