Chủ đề: ECB đối đầu chính trị gia
-
01-31-2015, 07:00 AM #1
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
ECB đối đầu chính trị gia
“Thắt lưng buộc bụng” hay “nới lỏng” không chỉ là tâm điểm cuộc chiến đảng phái ở Hy Lạp, mà còn là của cuộc chiến chính trị cả châu Âu.
Nỗi lo giảm phát
Trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố chương trình mua lại trái phiếu chính phủ, được xem là một gói nới lỏng định lượng phiên bản châu Âu. Theo đó, ECB sẽ bổ sung vào các chương trình mua lại trái phiếu trước đây thêm hoạt động mua lại trái phiếu chính phủ của các nước khu vực sử dụng đồng euro.
Với gói nới lỏng định lượng này, ECB mở rộng chương trình mua trái phiếu của mình sang cả trái phiếu chính phủ và nâng tổng mức tài sản dự kiến mua lại lên 60 tỉ euro/tháng, dự kiến kéo dài đến tháng 9-2016. Nghĩa là gói nới lỏng định lượng hiện tại của ECB đang thực hiện có giá trị khoảng hơn 1.000 tỉ euro. Quy mô này tương đối cao hơn so với dự kiến của thị trường và những thông tin trước đó cho rằng ECB sẽ chỉ tung ra gói nới lỏng định lượng chừng 500 tỉ euro. Tất nhiên, thị trường tài chính phản ứng tích cực với thông tin này. Các chỉ số FTSEurofirst 300 và Euro Stoxx 50 đều tăng điểm đáng kể sau tin này.
Mục tiêu của chính sách này, theo diễn giải của ECB, là để làm tăng nguồn vốn cho các tổ chức tài chính bán trái phiếu cho ECB, và từ đó hy vọng nguồn tiền này sẽ chảy ra nền kinh tế, khiến cho các tổ chức và cá nhân dễ vay tiền hơn từ các tổ chức tài chính. Hiểu theo hướng này, ECB nhắm tới mua trái phiếu để bơm tiền ra, hy vọng tăng tín dụng, đầu tư và tiêu dùng, nhằm kéo lạm phát lên mức mục tiêu 2%.
Trong khi đó, khu vực đồng euro đang tiến gần hơn đến trạng thái giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2014 của khu vực sử dụng đồng euro là con số âm: -0,2%. Lạm phát cơ bản của khu vực đồng euro là 0,7% (sau khi loại bỏ yếu tố giá năng lượng và lương thực). Nghĩa là dù dùng thước đo nào thì những con số này cũng ở quá xa mục tiêu 2% của ECB.
Theo quan điểm của nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Krugman, giảm phát cũng gây sức ép giảm đầu tư của doanh nghiệp và giảm lương (nhất là trong bối cảnh thất nghiệp cao ở châu Âu). Điều này nghĩa là giá giảm (một phần không nhỏ do giá năng lượng giảm) không phải là điều khiến những nhà điều hành kinh tế châu Âu vui lòng. Nói như Krugman, một số vấn đề kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn khi lạm phát giảm.
Đối với châu Âu, điều này khá đúng, nhất là trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng ở nhiều quốc gia. Vì vậy, ECB có lý khi họ cần phải đẩy nhanh việc bơm tiền ra nền kinh tế, kéo lãi suất xuống và kích thích chi tiêu và đầu tư. Đối với họ, lạm phát không phải là vấn đề, mà còn là điều họ mong muốn. ECB có thể còn vui lòng nếu lạm phát vượt lên trên 2%.
Nhưng đây không phải là điều chính trị gia châu Âu nào cũng muốn. Hành động bơm tiền của ECB không đại diện cho sự đồng thuận trong lòng châu Âu, mà trái lại, cho thấy một sự chia rẽ sâu sắc hơn. Nhà báo kỳ cựu Martin Wolf đã viết trên Financial Times rằng đây là một hành động dũng cảm hơn của các nhà điều hành ECB, vì họ đi ngược lại quan điểm của các chính trị gia Đức - những người muốn thắt lưng buộc bụng, cải cách mạnh mẽ hơn ở những nước đang có vấn đề về tài chính. Căn bản người Đức muốn những nước này là phải duy trì kỷ luật tài khóa, không thể phát hành trái phiếu tràn lan và lạm chi ngân sách nhiều nữa.
Tiền tệ và chính trị
Như vậy, ECB, với sự độc lập của mình, đã đi nước cờ nới lỏng tiền tệ, ngược lại với mục tiêu tài khóa và chính sách hồi phục kinh tế châu Âu của Đức với chiêu bài thắt lưng buộc bụng. Đây là một diễn biến có thể coi là mới, khi mà trước nay các lãnh đạo ECB thường bị chê là quá “nhát” khi đối đầu với các chính trị gia Đức về vấn đề thắt chặt hay nới lỏng.
Tất nhiên, người Đức không hài lòng. Thủ tướng Đức Angela Merkel, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, tuy thừa nhận rằng hành động của ECB là độc lập và không muốn can thiệp gì vào chuyện của họ, nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ nới lỏng có thể là một rủi ro cho tiến trình hồi phục bền vững của khu vực này. Có thể diễn dịch quan điểm của Thủ tướng Đức là bà lo sợ điều này dung dưỡng một số quốc gia khác tiếp tục đòi nới lỏng tiền tệ và trì hoãn “cải cách bền vững” kiểu thắt lưng buộc bụng.
Một ví dụ đơn giản là các chính phủ đang thiếu tiền có thể lợi dụng tình huống lãi suất thấp này để phát hành thêm nợ. Có nhà phân tích còn cho rằng một chính sách nới lỏng kiểu này của ECB là đang hỗ trợ các nước đang ngập nợ nần ở Nam Âu bằng tiền thuế của các nước giàu hơn. Điều này là có cơ sở, bởi ECB mua trái phiếu chính phủ của các nước đang nợ nần, nếu trái phiếu này giảm giá (do các nước thiếu nợ không thể trả nổi và đòi hỏi các chủ nợ xóa hoặc giảm nợ), tự nhiên ECB sẽ bị lỗ. Điều này nghĩa là tất cả thành viên châu Âu, bao gồm cả những nhà giàu như Đức, phải đi gánh rủi ro chung với các nước được xem là “gánh nặng” khác.
Một khía cạnh khác, bơm tiền, giảm lãi suất cũng đồng nghĩa là đồng euro phải chịu sức ép giảm giá. Sức ép này còn tệ hơn nếu mà ngân hàng trung ương của khu vực đồng tiền này có thể còn bị lỗ nếu một nước nào đó đòi “tái cơ cấu nợ” (nghĩa là giảm hoặc xóa nợ). Điều này chẳng những không phải là điều tốt trong mắt một số nước dùng đồng tiền chung (mặc dù nó sẽ giúp tái lập sức cạnh tranh ở những nước khác) mà còn là điều xấu trong mắt những nước neo đồng tiền với đồng euro. Do đó, có người tin rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Thụy Sỹ bỏ việc neo đồng tiền của mình vào đồng euro là do họ không muốn dây dưa với một đồng tiền có nhiều rắc rối tiềm ẩn như vậy.
Nói một cách khác, động thái bơm tiền của ECB và bỏ neo đồng tiền vào đồng euro của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ có thể đang phản ánh một châu Âu chia rẽ hơn, nơi các ngân hàng trung ương mạnh dạn hơn với những quyết định độc lập của mình để bảo vệ lợi ích mà định chế của mình theo đuổi, mặc dù lợi ích đó có thể đi ngược lại chính sách định hướng chung của những lãnh đạo đầu tàu châu Âu như Đức.
Có thể nói, khi xung đột lợi ích trong tiến trình hồi phục kinh tế lên tới đỉnh điểm, những nhà lãnh đạo của các định chế và quốc gia khác nhau ở châu Âu đã bắt đầu cứng rắn hơn trong các quyết định của mình. Nó đồng nghĩa họ cũng khó thỏa hiệp hơn về một chính sách phát triển bền vững.
Hồ Quốc Tuấn - Đại học Bristol, Anh
Theo stockbiz.vnView more random threads:
- Tỷ phú Soros: Kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ hoàn toàn
- Giá vàng đi xuống
- IMF: Không nên quá quan ngại về sức khỏe kinh tế Trung Quốc
- Trung Quốc chính thức lưu hành đồng 100 nhân dân tệ mới
- Giá dầu Mỹ thủng mốc 30 USD lần đầu tiên kể từ năm 2003
- Chứng khoán Hong Kong đóng cửa vì bão
- Giá vàng xuống gần đáy 3 tuần
- Chứng khoán Mỹ tăng nhờ hy vọng về đàm phán nợ của Hy Lạp
- Tiền châu Á giảm mạnh sau quyết định phá giá nhân dân tệ
- Samsung bị phạt vì thao túng giá
chung cư Charm City Bình Dương được xây dựng bởi Công ty TNHH DCT Partner Việt Nam giao thông thuận lợi đường rộng rãi chú trọng thiết kế. Charm City Bình Dương giagocchudautu.com giao thông...
Charm City Bình Dương cộng đồng...